![]() |
Các công nhân bao trái ổi tại vườn ổi của gia đình anh Lượng. |
“Ổi ông Đới”
Những ngày này, con đường từ thị trấn Trới (Hoành Bồ) lên xã Dân Chủ (Hoành Bồ) đông vui, tấp nập hơn hẳn. Đó là nhờ lượng lớn thương lái tìm đến thu mua ổi của gia đình anh Đinh Văn Lượng (thôn 1, xã Dân Chủ). Trong số ấy, có người ở ngay thị trấn Trới; xa hơn chút là ở Hạ Long nhưng cũng có người ở tận Cẩm Phả vào... Thế cũng đủ thấy, ổi của vườn nhà anh Lượng rất nổi tiếng rồi. Chả thế mà “ổi chín, vừa thu hoạch, chưa kịp ra khỏi vườn đã hết veo. Ngay người ở huyện muốn mua ổi để ăn hoặc làm quà biếu cũng phải đặt hàng từ khi vừa ra hoa; thậm chí, đặt hàng rồi mà đến chậm, ngay 1kg ổi cũng chẳng có” - anh Nguyễn Thanh Tùng, cán bộ thanh tra của huyện Hoành Bồ chia sẻ với tôi trên đường lên Dân Chủ. Không biết, có phải do anh Tùng “quảng cáo” không nhưng tôi cảm nhận rất rõ hương thơm dịu ngọt của những trái ổi chín đầu mùa quện trong “cơn gió mồ côi” giữa tiết trời oi bức.
Chủ nhân của vườn ổi nổi tiếng ấy còn khá trẻ, mảnh khảnh, thư sinh nhưng không kém phần rắn rỏi bởi nước da bánh mật. Đang trưa nhưng anh và một nhóm phụ nữ làm thuê vẫn khá bận rộn, tất bật. Anh mời chúng tôi nếm thử những trái ổi vừa bứt từ trên cây xuống. Dù đã thưởng thức khá nhiều loại, từ ổi trâu, ổi mỡ, ổi bo, ổi găng, ổi đào, đến ổi Đài Loan mua ở chợ nhưng lần này, tôi cảm nhận khác hẳn. Miếng ổi thơm, có độ giòn, ngọt; đến ngay cả phần hạt ổi cũng rất mềm. Anh Lượng cười bảo: “Hôm trước vừa có trận mưa nên ổi bị giảm bớt độ ngọt. Giống ổi này, ba năm mới phải bón phân vào gốc một lần. Còn lại, sau mỗi lần thu hoạch phải cắt tỉa cành thì lứa sau quả mới to. Để quả đẹp và chất lượng thì khi quả vừa đến độ lớn, chừng bằng ngón tay cái phải chọn bỏ những quả sâu, quả còi rồi bao trái bằng một lớp xốp và lớp túi bóng...”. Với quy trình này, vườn ổi nhà anh Lượng tuy nhiều gốc nhưng vẫn thoáng. Vào mùa tỉa quả, gốc ổi xanh rì quả non. Số quả bỏ đi còn nhiều hơn số quả giữ lại. Vì thế mà trên cây quả nào, quả nấy phát triển đều, đẹp, không sâu, không hỏng. Anh Lượng quả quyết: “Mình đã thử bón thuốc kích thích cho cây nhanh lớn, quả nhanh chín nhưng đều không được. Những loại thuốc này đều làm hỏng quả, hỏng cây, ruột quả bị xốp, bị nhạt”.
Anh Lượng bắt đầu trồng ổi từ năm 2008. Trước đây, khu vườn này vốn trồng vải. Trong một lần tình cờ đọc báo thấy có giới thiệu về giống ổi Đài Loan, ngon, năng suất, anh quyết định đi tìm hiểu để mua giống. Về nhà anh đã chặt vườn vải để trồng ổi. Ban đầu, thận trọng nên anh chỉ trồng 200 gốc. Đến nay, anh đã phát triển trên 1.300 gốc. Những ngày cao điểm, anh có thể thu hoạch được đến 4 tạ quả. Không chỉ dừng lại ở việc phát triển vườn ổi, nâng cao chất lượng quả, hiện anh Lượng đang xúc tiến làm nhãn hiệu: “Ổi ông Đới” để gắn cho sản phẩm ổi của gia đình (ông Đới là tên bố anh).
“Quảng La Mushroom”
Ở xã Quảng La, chị Phạm Kim Oanh cũng rất say sưa với việc xây dựng nhãn hiệu “Quảng La Mushroom” cho các sản phẩm nấm của mình. Hiện chị Oanh đang sản xuất 2 loại nấm là nấm linh chi và nấm sò, chị dự tính sẽ phát triển thêm 2 loại nấm nữa là nấm rơm và nấm mỡ. Vì vậy, “Quảng La Mushroom” được thiết kế để đăng ký cho 4 loại nấm. Chị Ngô Thị Khuyên, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Quảng La tự hào: “Cả xã bây giờ có 27 hộ trồng nấm nhưng chị Oanh là người duy nhất trồng nấm linh chi. Chị cũng là người đầu tiên tiếp cận kỹ thuật trồng nấm, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đăng ký làm thương hiệu nấm”.
Những năm 2003, khi mà bà con ở Quảng La vẫn còn xa lạ với những mô hình phát triển kinh tế thì chị Oanh đã tự tìm về huyện để theo học lớp nghề trồng nấm. Kết thúc khoá học, trở về chị bắt đầu trồng nấm. Lứa đầu tiên thu hoạch, chị hăm hở mang ra chợ bán nhưng hiềm nỗi, bà con kháo nhau là ăn nấm độc nên chẳng có ai mua. Thêm vài lứa nữa không bán được, chị đành gác “giấc mộng” làm giàu từ nấm.
![]() |
Chị Oanh thu dọn những bịch nấm sò để chuẩn bị cho vụ nấm mới. |
Năm 2010, sau khi Hội Phụ nữ xã mở lớp nghề trồng nấm cho các học viên, chị Oanh đã tìm đến Hội để xin tài liệu. Lần này, chị còn trực tiếp về huyện để học hỏi thêm các kỹ thuật khác; trong đó có kỹ thuật trồng nấm linh chi. Với kinh nghiệm tích luỹ từ lần trồng nấm trước cộng thêm kiến thức mới học hỏi, chị quyết định đầu tư chiếc nồi hấp hơn 10 triệu đồng để trồng nấm linh chi. Song song với đó, chị trồng cả nấm sò. Hiện chị Oanh đang trồng nấm chung cùng 1 hộ nữa trong xã với khoảng 1.200 gốc nấm linh chi. Riêng năm 2012, số tiền 2 hộ này thu lãi từ nấm linh chi và nấm sò đạt 140 triệu đồng. “Được học kỹ thuật, lại trực tiếp trồng nấm nên bà con đều nhận thức được rằng, nấm trồng đúng quy trình đều đảm bảo là nấm sạch. Mà giống nấm cũng rất khó tính, nếu tưới nước bẩn, thậm chí, khi tra mầm nấm vào bịch, chỉ cần tay bị bẩn thôi cũng đã làm hỏng nấm rồi. Cũng từ đó, số hộ trồng nấm trong xã tăng lên và sản lượng nấm của bà con làm ra tiêu thụ cũng nhanh hơn. Bây giờ, chị em đã bỏ mối sang tận Sơn Động, Bắc Giang rồi ra TP Hạ Long, TP Cẩm Phả...” - Chị Khuyên khẳng định thêm.
Và những trăn trở
“Doanh nghiệp đứng ra làm thương hiệu sản phẩm thì đã có từ rất lâu rồi nhưng người nông dân trực tiếp đứng ra làm thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp của mình thì còn rất mới mà chưa ở đâu trong tỉnh làm. Cái hay của việc này là người nông dân sẽ thay đổi nhận thức, chuyển đổi sang phương thức sản xuất hàng hoá. Đặc biệt, là họ gắn được trách nhiệm của mình với sản phẩm làm ra” - Anh Lâm Văn Phong, cán bộ Sở KH&CN tăng cường tại huyện Hoành Bồ khẳng định.
Còn theo đồng chí Đỗ Mạnh Chung, Chủ tịch UBND xã Quảng La, để người nông dân trực tiếp tham gia làm thương hiệu nông sản, khó nhất là khâu vận động vì đây là vấn đề rất mới nên bà con bỡ ngỡ. Bà con muốn làm được thương hiệu thì phải có đăng ký kinh doanh với huyện; thiết kế lô-gô sản phẩm; lập hồ sơ đăng ký nhãn hiệu gửi về huyện, Sở KH&CN để chuyển đến Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN)... Để giúp anh Lượng, chị Oanh, cấp uỷ, chính quyền và tổ chức hội, đoàn thể của 2 xã Quảng La, Dân Chủ đã chủ động, tích cực vào cuộc hỗ trợ từ việc vận động; tư vấn, tham gia ý kiến vào thiết kế lô-gô đến việc trực tiếp đưa các cá nhân đến tận huyện, Sở KH&CN để nộp hồ sơ, làm thủ tục... Hiện cả sản phẩm ổi và nấm đều đã hoàn tất hồ sơ và sau 6 tháng nữa, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ cấp văn bằng sở hữu.
Tuy rằng, việc xây dựng thương hiệu nông sản của người nông dân ở Hoành Bồ khởi đầu khá suôn sẻ, thuận lợi nhưng những người trong cuộc vẫn không khỏi băn khoăn, lo lắng. Đó là làm sao để người nông dân giữ được thương hiệu; làm sao để mở rộng thị trường... Chị Oanh trăn trở: “Tới đây tôi cũng phải tính làm sao để cải tạo nhà trồng nấm cho nó mỹ quan, chuyên nghiệp hơn nhưng còn vướng về vốn. Rồi làm thế nào để khi đăng ký được nhãn hiệu phải có sản phẩm bán quanh năm, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng”. Cũng lại có người lo xa, sau này, với việc phát triển ổi, nấm thành vùng sản xuất tập trung mà không chỉ có bà con Quảng La, Dân Chủ trồng mà còn có ở nhiều địa phương khác trong tỉnh, trong cả nước nữa liệu có tình trạng “được mùa rớt giá” như bài học với cây vải hay chuyện cá tra, cá basa không?... Những trăn trở ấy cũng dễ hiểu khi mà hiện nay, nấm hay ổi ở Hoành Bồ đều chỉ có thể cho thu hoạch theo mùa. Những sản phẩm này, muốn bảo quản được lâu phải có sự hỗ trợ của công nghệ. Ngay như việc sửa sang lại nhà xưởng người nông dân còn mắc về vốn thì việc đầu tư công nghệ chế biến, xử lý để bảo quản được lâu hoặc để nâng cao chất lượng và đa dạng hoá các loại sản phẩm không hề đơn giản.
Chính vì vậy, họ rất cần thêm sự hỗ trợ, sự đồng hành từ phía nhà nước, không chỉ là vốn mà còn cả kiến thức để ứng dụng KH&CN hiệu quả.
Cẩm Nang