Hợp đồng đến tay phải trả lại
Tháng 9-2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 23 về tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh TNTX, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan, tiếp đó tháng 2-2013, Bộ Công thương ban hành Chỉ thị 05 quy định về hoạt động kinh doanh TNTX một số loại hàng hoá. Chỉ trong thời gian ngắn lượng hàng hoá TNTX qua các cửa khẩu của Quảng Ninh giảm mạnh, chỉ tính từ tháng 1 đến tháng 5-2013 lượng hàng hoá TNTX qua biên giới Quảng Ninh bị giảm tới 70% so với cùng kỳ năm 2012, thu phí bến bãi giảm tới 62% so với trước khi có Chỉ thị 23.
![]() |
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đọc, trao đổi với các doanh nghiệp, các ngành về tháo gỡ khó khăn cho hoạt động TNTX. |
Ông Hà Hồng Chi, Giám đốc Công ty CP Cung ứng tàu biển Quảng Ninh cho rằng: Quy định chung đã khiến cho hoạt động kinh doanh biên mậu đã rất khó khăn rồi thì Thông tư 05 của Bộ Công thương một lần nữa xiết cổ doanh nghiệp chặt hơn nữa, sự bất hợp lý đến mức phi lý theo quy định này, đó là: Hàng hoá TNTX được lưu giữ tại Việt Nam không quá 45 ngày kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập. Trường hợp cần kéo dài thời hạn, thương nhân có văn bản đề nghị gia hạn gửi cơ quan hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập; mỗi lô hàng TNTX chỉ được gia hạn một lần, thời hạn gia hạn không quá 15 ngày. Quá thời hạn nêu trên, thương nhân phải tái xuất ra khỏi Việt Nam trong vòng 15 ngày qua cửa khẩu tạm nhập, không được phép tái xuất qua cửa khẩu khác cửa khẩu tạm nhập. Hàng hoá không tái xuất sẽ bị tịch thu và xử lý theo quy định. Nếu phải tiêu huỷ, chi phí tiêu huỷ được trích từ số tiền ký quỹ đặt cọc của thương nhân. Theo như lý giải của ông Chi, với quy định về thời gian lưu hàng ở Việt Nam quá ngắn như hiện nay thì doanh nghiệp luôn luôn gặp rủi ro, bởi nếu chính sách biên mậu phía nước bạn Trung Quốc thay đổi đương nhiên thời gian chờ đợi để được xuất hàng sẽ buộc phải kéo dài tới vài tháng trong khi quy định không cho phép. Điều này trên thực tế đã gây thiệt hại trực tiếp cho doanh nghiệp khi một số bạn hàng đã từ chối ký các hợp đồng thực hiện TNTX hàng hoá tại Việt Nam chỉ vì thời gian lưu giữ quá ngắn.
Đại diện Công ty Cổ phần XNK Quảng Ninh cho biết thêm, ngay trong Hội nghị này khi ông đang đứng đây nói về những khó khăn của doanh nghiệp lại tiếp tục nhận được thông tin một bạn hàng từ Hồng Kông gửi thông báo huỷ hợp đồng với doanh nghiệp vì thời gian lưu hàng tại Việt Nam quá ngắn không đáp ứng yêu cầu. Doanh nghiệp thiệt đơn, hại kép không chỉ mất hợp đồng, mất việc làm mà vì thời gian lưu hàng đã hết, hàng buộc trả lại cho chủ hàng và chủ hàng không thanh toán kinh phí cho doanh nghiệp nữa. Ông Chi bức xúc nói - đã đến lúc Chính phủ, Bộ Công thương cần có nghiên cứu điều chỉnh lại chính sách cho hợp lý.
Tiền “đẻ” - tiền “nằm chết”
Cùng tâm trạng này ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Công ty CP XNK và du lịch Vĩnh Thịnh cho biết: Theo Thông tư 05 nhóm mặt hàng là hàng thực phẩm đông lạnh, hàng hoá có thuế tiêu thụ đặc biệt, hàng hoá thuộc danh mục hàng hoá đã qua sử dụng phải có số tiền ký quỹ đặt cọc là 5 tỷ đồng/nhóm hàng. Như vậy với các doanh nghiệp thực hiện kinh doanh TNTX cả 3 nhóm hàng thì sẽ phải ký quỹ tới 15 tỷ đồng. “Với doanh nghiệp tiền trong nhà là tiền chửa, tiền ra ngoài cửa là tiền đẻ” ấy thế mà 15 tỷ đồng - một số tiền không nhỏ trong thời buổi kinh doanh đang rất khó khăn như hiện nay lại bị chết chặt một chỗ. Chính vì vậy, theo đề xuất của ông Tuấn chỉ nên yêu cầu phải ký quỹ đối với mặt hàng đông lạnh, vì đây là mặt hàng liên quan đến vấn đề phải xử lý môi trường khi không tái xuất được. Ông Tuấn cũng đưa ra con số hiện nay tới 70% doanh nghiệp đang làm kinh doanh TNTX ở Móng Cái hiện nay không thể chịu được với các quy định của Thông tư 05. Bên cạnh đó chính sách Nhà nước thì luôn luôn thay đổi như Công ty CP XNK và du lịch Vĩnh Thịnh khi làm mặt hàng TNTX quần áo, lần 1 được cấp hạn ngạch 500 tấn hàng, lần sau 1.000 tấn, lần sau nữa 2.000 tấn nhưng đến lần thứ 4 thì quay về vài trăm tấn, điều này khiến doanh nghiệp hoàn toàn bị động. Không thể để tình trạng không quản lý được thì cấm như hiện nay, đừng để sự bất hợp lý trở nên phi lý như hiện nay, doanh nghiệp khẩn thiết đề nghị phải sớm có sửa đổi ngay những quy định này - ông Tuấn nói.
Ông Hoàng Văn Tản, Tổng Thư ký Hiệp hội vận tải hàng hoá đường bộ Hải Phòng cho biết: Theo quy định doanh nghiệp phải đóng phí bảo trì đường bộ cho các phương tiện vận tải theo chu kỳ đăng kiểm, như vậy đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải ứng trước tiền đóng phí. Với hàng trăm đầu xe mỗi doanh nghiệp sẽ phải ứng hàng tỷ đồng để nộp phí bảo trì đường bộ, đó là chưa kể đã đóng phí rồi, vẫn phải mua vé qua các trạm thu phí. Tính toán đầy đủ hiện nay mỗi doanh nghiệp tải hàng container đang phải chịu từ 14-15 loại phí các loại.
Có thể thấy rằng tác động của Chỉ thị 23, Thông tư 05, các chính sách quy định không chỉ doanh nghiệp kinh doanh TNTX, kho ngoại quan, cửa khẩu gặp khó mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh tế - xã hội của các địa phương biên giới như Quảng Ninh, đến việc làm, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng khu vực biên giới. Chính vì vậy, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực này cũng chính là gỡ khó cho những vùng kinh tế mở, động lực phát triển của các địa phương lân cận.
Lan Hương - Cao Quỳnh