Thứ tư, 30/04/2025, 4:05 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Phân cấp, uỷ quyền tối đa: Lời giải cho tính chủ động, sáng tạo

Sau kết quả thực hiện khá thành công ở TP Hạ Long, vừa qua Chủ tịch UBND tỉnh quyết định tiếp tục phân cấp, uỷ quyền tối đa cho 3 thành phố Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí - 3 trung tâm kinh tế - chính trị lớn của tỉnh. Tại buổi làm việc gần đây nhất với 3 địa phương này, tất cả những nội dung đề xuất thuộc thẩm quyền quyết định của UBND tỉnh đều được đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất, đồng ý phân cấp, uỷ quyền.

Với việc được phân cấp trong thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản đã giúp cho TP Móng Cái chủ động hơn trong đầu tư các công trình trên địa bàn. Trong ảnh: Thi công đường từ ngã ba Sầu đến bến Lục Lầm, TP Móng Cái.
Với việc được phân cấp trong thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản đã giúp cho TP Móng Cái chủ động hơn trong đầu tư các công trình trên địa bàn. Trong ảnh: Thi công đường từ ngã ba Sầu đến bến Lục Lầm, TP Móng Cái.

Đồng chí Dương Văn Cơ, Chủ tịch UBND TP Móng Cái cho rằng: Ngoài các lý do liên quan đến góc độ tổ chức quyền lực Nhà nước, pháp chế và góc độ dân chủ, việc tăng cường phân cấp cho 3 thành phố Móng Cái, Uông Bí, Cẩm Phả rất quan trọng và cần thiết bởi cả 3 thành phố đều đang triển khai các mục tiêu trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu xây dựng chính quyền đô thị hiện đại thì yêu cầu về cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng được đặt ra với tiêu chí giảm tối đa về quy định và thời gian khi giải quyết các thủ tục cho tổ chức, công dân trên địa bàn. Đặc biệt trong giai đoạn khó khăn chung hiện nay, yêu cầu về việc tìm ra giải pháp để huy động và phát triển các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội được đặt lên hàng đầu trong chiến lược phát triển của các địa phương. Trước đây Móng Cái đã được tỉnh phân cấp, uỷ quyền cho thực hiện trong một số lĩnh vực, tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai có những bất cập mới nảy sinh, đặt ra yêu cầu phải giải quyết nhanh, ngay từ cơ sở. Thí dụ như việc quản lý phương tiện thuỷ nội địa, theo cách làm hiện nay để được hoạt động trên sông Ka Long, các chủ đò phải thực hiện rất nhiều các thủ tục hành chính từ đăng ký, đăng kiểm, xin phép của các cơ quan cấp tỉnh như Giao thông - Vận tải, Công an, Bộ đội biên phòng, Hải quan… rồi đến các phòng ban chức năng của thành phố. Như vậy rất phức tạp, mất nhiều thời gian của tổ chức, cá nhân có phương tiện thuỷ nội địa muốn hoạt động trên địa bàn thành phố. Chính vì vậy, thành phố đề nghị được tỉnh phân cấp, uỷ quyền cho thành phố được thực hiện tất cả các thủ tục trên đối với loại đò có trọng tải dưới 20 tấn, công suất dưới 30CV.

Còn với TP Uông Bí, theo đồng chí Nguyễn Thành Phố, Chủ tịch UBND thành phố thì: Việc phê duyệt giá khởi điểm các ô đất thuộc thẩm quyền để bán đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố hiện đang gặp phải bất cập là do, theo Thông tư 48/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định giá khởi điểm và chế độ tài chính trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất có hiệu lực từ 1-5-2012 thì quá trình tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại thành phố chỉ được thực hiện khi Sở Tài chính và liên ngành tỉnh thẩm định, trình và được UBND tỉnh phê duyệt. Việc này đã gây những khó khăn nhất định cho thành phố như: Giá khởi điểm có thể chưa sát với giá thị trường tại thời điểm đấu giá vì thời gian từ khảo sát đến thẩm định, phê duyệt kéo dài trong khi thị trường bất động sản luôn biến động và rất nhạy cảm, việc thu tiền về ngân sách từ đấu giá quyền sử dụng đất bị chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công trình xây dựng phát triển của thành phố.

Cũng giống như Uông Bí, cả Móng Cái và Cẩm Phả đều đang gặp vướng mắc trong trình tự xác định thu tiền sử dụng đất đối với các thửa đất quy hoạch xen cư để giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá cần được tỉnh phân cấp, uỷ quyền vừa để khắc phục những mặt còn hạn chế, vừa phát huy nguồn lực tại chỗ của mỗi địa phương. Đồng chí Nguyễn Trọng Minh, Chủ tịch UBND TP Cẩm Phả cho biết: Có những thửa đất giao mới phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, xây dựng nhưng diện tích nhỏ, hay hình thù méo mó, đất trước kia là mương rãnh thoát nước nằm liền kề hộ gia đình nay không sử dụng làm mương, rãnh thoát nước, không có đường đi vào, diện tích xen kẹp nhà nước quản lý do yêu cầu đáp ứng mỹ quan đô thị đã được lập quy hoạch với các thửa đất liền kề, các hộ dân đang sử dụng có nhu cầu xin cấp bổ sung. Việc xác định giá đất cho các thửa đất giao mới này theo hướng dẫn Thông tư 93/2011 của Bộ Tài chính phải theo trình tự, thủ tục mất nhiều thời gian trong khi giá trị tiền sử dụng đất không lớn. Chính vì vướng mắc rất nhỏ này đã gây ách tắc rất lớn trong việc giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Mỗi khi người dân có nhu cầu đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần diện tích trên địa phương phải thành lập đoàn khảo sát, lập báo cáo giá đất khảo sát, báo cáo về Sở Tài chính, sau đó Sở Tài chính tổ chức họp liên ngành, báo cáo UBND tỉnh phê duyệt. Quá trình xét duyệt đối với những thửa đất trên phức tạp người dân không muốn làm thủ tục mà vẫn cứ sử dụng đất, Nhà nước thì thất thu và việc quản lý các diện tích đất này càng trở nên phức tạp.

Phân cấp, uỷ quyền nhiều nội dung công việc cho các địa phương theo các nghị quyết của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh uỷ đã được UBND tỉnh thực hiện từ nhiều năm qua, vì vậy đã có tác động rất tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, tạo sự chủ động, tinh thần trách nhiệm cho cán bộ làm công tác quản lý, điều hành hoạt động trên mỗi địa bàn. Tiếp tục phân cấp, uỷ quyền tối đa cho mỗi địa phương để phát huy tính năng động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở phân định rõ, cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm trong bộ máy chính quyền Nhà nước, đây là quan điểm chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đọc. Như đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh trong rất nhiều cuộc làm việc của tỉnh với các địa phương, sở, ngành thời gian qua, phân cấp, uỷ quyền chính là biện pháp để giảm bớt về thủ tục hành chính, không chỉ nâng cao trách nhiệm của địa phương mà các sở, ngành sẽ có thời gian để thực hiện tốt vai trò kiểm tra, giám sát. Từ đây sẽ khắc phục được bệnh “xin - cho”, tạo sự minh bạch, trong sáng trong vận hành của bộ máy chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.

Ngọc Lan