Thời gian qua, Huyện uỷ Ba Chẽ đã chủ động xây dựng kế hoạch phân công cán bộ theo dõi chi bộ thôn, khu phố. Việc làm này đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức cơ sở đảng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội...
Với 8 đơn vị hành chính cấp xã, huyện Ba Chẽ có gần 2 vạn dân thuộc 10 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn 75 thôn, khu phố; trong đó, dân tộc thiểu số chiếm 80,2%. Chỉ cách đây vài năm, dù được sự đầu tư của cấp trên, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên, song do trình độ của một bộ phận không nhỏ người dân còn hạn chế, đặc biệt do ảnh hưởng của tập tục canh tác lạc hậu dẫn đến tình trạng nhiều người còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa tự xác định được phương hướng vươn lên... Để xảy ra tình trạng này có nhiều nguyên nhân, nhưng nổi lên nhất vẫn là do hệ thống chính trị ở các thôn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc chưa được phát huy; chất lượng sinh hoạt chi bộ, năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng ở đây còn yếu, hoạt động của các tổ chức đoàn thể xã hội còn hình thức... Năm 2011, số chi bộ đạt trong sạch vững mạnh của Ba Chẽ chỉ chiếm 50%.
![]() |
Cán bộ Hội Phụ nữ huyện Ba Chẽ tuyên truyền pháp luật cho nhân dân trên địa bàn. |
Ngày 9-3-2012, Ban Thường vụ Huyện uỷ Ba Chẽ ban hành Quyết định số 270-QĐ/HU về “Thí điểm phân công cán bộ theo dõi, giúp đỡ, hướng dẫn các chi bộ và hệ thống chính trị ở tất cả các thôn, khu phố trong huyện”. Thời gian thực hiện quyết định này trong 1 năm với các mục đích cơ bản là: Đẩy mạnh tuyên truyền, đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân vùng sâu, vùng xa; từng bước xoá bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, những tập tục lạc hậu trong đời sống, sản xuất của nhân dân; hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân thực hiện những giải pháp thoát nghèo bền vững... Huyện uỷ chỉ đạo cán bộ được phân công phải hướng dẫn, giúp đỡ các chi bộ nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, thiết thực nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở các thôn, khu phố trong sạch vững mạnh. Triển khai quyết định này, Huyện uỷ cử 83 cán bộ thuộc 43 cơ quan của huyện, gồm: các đồng chí uỷ viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện uỷ, trưởng và phó các cơ quan, ban, ngành của huyện. Mỗi cán bộ được phân công theo dõi, giúp đỡ 1 thôn, khu phố; mỗi xã, thị trấn có 1 tổ cán bộ theo dõi do 1 đồng chí là uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ làm tổ trưởng (cả các đồng chí là Bí thư, Phó Bí thư, Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND huyện cũng tham gia); mỗi tổ phân công 1 đồng chí làm thư ký tổng hợp để báo cáo thường xuyên.
Các đồng chí được phân công giúp đỡ thôn, khu phố hàng tháng phải dự họp với chi bộ hoặc làm việc với cán bộ, đảng viên, nhân dân trong thôn để nắm tình hình chung về quá trình triển khai nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo thôn. Nội dung trọng tâm là theo dõi, chỉ đạo, nắm tình hình, tuyên truyền các chủ trương, giải pháp phát triển KT-XH, đảm bảo ANTT, củng cố hệ thống chính trị trong thôn... Từ đó, kịp thời báo cáo với tập thể lãnh đạo huyện những diễn biến ở chi bộ thôn, khu phố được phân công theo dõi. Cán bộ được phân công phải chủ động tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, trọng tâm là về xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ, đẩy mạnh giảm nghèo...
Với những giải pháp cụ thể và sự chỉ đạo quyết liệt như vậy, sau 1 năm thực hiện, Huyện uỷ Ba Chẽ đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Thông qua phụ trách địa bàn, các đồng chí được phân công đã tham mưu cho huyện và các ngành chức năng chỉ đạo giải quyết thực hiện nhiều giải pháp, vụ việc. Điển hình là đã tham mưu chỉ đạo cung cấp cây giống, sửa chữa kênh mương, đập nước để nhân dân gieo cấy kịp thời, góp phần nâng cao năng suất trong sản xuất nông nghiệp; ngăn chặn cơ bản tình trạng xâm lấn đất rừng trái phép trên địa bàn huyện, đặc biệt là vụ xâm lấn hơn 100ha rừng tại xã Minh Cầm; chủ động phối hợp với huyện Tiên Yên giữ lại khu vực rừng đầu nguồn vùng giáp ranh với thôn Khe Hố, xã Nam Sơn để giữ nguồn nước sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân. Các cán bộ được phân công còn tham mưu với huyện đầu tư sửa chữa kịp thời các tuyến đường liên thôn thuộc các xã vùng sâu; triển khai hiệu quả các chương trình phát triển KT-XH...
Việc phân công cán bộ theo dõi cơ sở cũng nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân, vì qua đây người dân được nói hết tâm tư, nguyện vọng của mình. Điều này cũng tạo được sự chuyển biến trong nếp nghĩ, cách làm của đồng bào, từng bước loại bỏ dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại trong một bộ phận nhân dân. Nhiều hộ gia đình đồng bào thiểu số đã hưởng ứng mạnh mẽ chủ trương xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm thiết thực như hiến đất làm đường, xây nhà văn hoá, làm trường học, đồng thời áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Năm 2012, toàn huyện có gần 100 gia đình hưởng ứng chủ trương làm kinh tế trang trại của huyện và đã có thêm 325 hộ thoát nghèo... Cũng qua thực hiện Quyết định này, đội ngũ cấp uỷ viên, bí thư chi bộ ở các thôn, khu phố đã có thêm kinh nghiệm trong việc tổ chức sinh hoạt, ra nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, góp phần củng cố, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng, xây dựng các đoàn thể vững mạnh. Năm 2012, toàn huyện có 69,6% cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh (tăng 6,2% so với năm 2011).
Quang Minh