Thứ ba, 29/04/2025, 19:23 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ vững chắc vùng biển đảo

Đảo Trần thuộc xã Thanh Lân, huyện Cô Tô, có diện tích 556ha, là hòn đảo tiền tiêu vùng Đông Bắc, có vị trí chiến lược quan trọng ở Vịnh Bắc Bộ. Trên đảo hiện có CBCS của một số lực lượng chức năng đóng quân và một hộ dân sinh sống. Với vị trí quan trọng như vậy, việc di dân ra đảo Trần để phát triển kinh tế - xã hội, kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển, đảo là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Tháng 7-2012, BTV Tỉnh uỷ đã có quyết định phê duyệt Đề án và UBND tỉnh đã thành lập BCĐ triển khai Đề án “Vận động thanh niên, nhân dân ra đảo Trần sinh sống để thành lập đơn vị hành chính trực thuộc huyện Cô Tô”.

Phương tiện của ngư dân đang đánh bắt thuỷ sản ở ngư trường quanh đảo Trần (Cô Tô).
Phương tiện của ngư dân đang đánh bắt thuỷ sản ở ngư trường quanh đảo Trần (Cô Tô).

Thực hiện chủ trương của T.Ư và của tỉnh, thời gian qua, Ban Dân vận Tỉnh uỷ đã chỉ đạo hệ thống dân vận của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tuyên truyền, vận động nhân dân đăng ký tình nguyện ra đảo Trần sinh sống. Chính quyền, đoàn thể các cấp, các cơ quan liên quan cũng tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động. Đến tháng 5-2013, đã có 220 hộ dân trong và ngoài tỉnh đăng ký tình nguyện ra định cư tại đảo Trần. BCĐ triển khai Đề án đã phân công một số ngành chức năng phối hợp với chính quyền các địa phương rà soát và sơ bộ lựa chọn được 30 hộ dân để chuẩn bị đưa ra đảo Trần đợt đầu tiên. Hầu hết các chủ hộ dưới 40 tuổi, gia đình chủ yếu làm ngư nghiệp và đang khai thác hải sản ở ngư trường quanh đảo Trần. Đến nay, UBND huyện Cô Tô đã cơ bản hoàn thành việc tu sửa 3 hồ chứa nước trên Đảo Trần; xong quy hoạch chi tiết khu dân cư; lấy ý kiến tham gia của các sở, ngành liên quan và của 30 hộ dân trên. UBND huyện Cô Tô đã tiến hành đồng thời việc lập dự án, phân kỳ đầu tư xây dựng các hạng mục, san nền, kè chắn sóng để tạo mặt bằng bố trí khu dân cư, xây dựng nhà ở cho dân cư, trạm phát điện diesel, hệ thống đường giao thông đấu nối từ các tuyến đường hiện có vào khu dân cư, trường học, trụ sở hành chính, nhà công vụ, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng kết hợp tâm linh, hệ thống kè bến cập tàu, khu neo đậu tránh trú bão. Các hạng mục nhà ở dân cư, kè biển, san nền, điện diesel sẽ được ưu tiên triển khai, khẩn trương thi công để đủ điều kiện di dân vào cuối năm 2013.

Nhằm khuyến khích, động viên nhân dân tích cực tham gia chương trình di dân ra thành lập xã đảo Trần, ngày 20-5-2013, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Thường trực UBND tỉnh đã nghe và cho ý kiến về chính sách hỗ trợ di dân ra đảo Trần do BCĐ đề xuất, với quan điểm thực hiện đầy đủ các chính sách hiện có của Nhà nước và xây dựng chính sách hỗ trợ riêng cho việc di dân ra đảo Trần.

Tại kỳ họp này, UBND tỉnh có tờ trình về việc thông qua Đề án thành lập xã đảo Trần huyện Cô Tô. Theo Đề án thì cùng với việc thành lập đơn vị hành chính, sẽ tiến hành thành lập chi bộ Đảng và củng cố hệ thống chính trị cấp xã có đủ các đầu mối tổ chức hành chính nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội. Tổng nhu cầu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng của xã giai đoạn 2013-2016 dự kiến 230 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 là 100 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước là 200 tỷ đồng; vốn tín dụng cho đầu tư, phát triển là 10 tỷ đồng còn lại là vốn ODA, FDI và các nguồn vốn khác...

Cũng tại kỳ họp này, HĐND tỉnh có dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách khuyến khích đối với các hộ dân ra sinh sống lâu dài tại đảo Trần. Theo đó, đối tượng áp dụng là hộ gia đình làm nghề ngư hoặc dịch vụ hậu cần biển, là hộ (nhóm hộ) có tàu (thuyền) khai thác thuỷ sản, tuổi đời dưới 40 tuổi (trường hợp cá biệt xét trên 40 tuổi nhưng không quá 50 tuổi), có sức khoẻ tốt, nhân thân tốt và có hộ khẩu thường trú tại Quảng Ninh; ưu tiên hộ gia đình chưa có nhà trên bờ, đang thường xuyên sản xuất, neo đậu tàu thuyền tại khu vực đảo Trần; đi theo nhóm hộ cùng quê, cùng địa phương; CBCCVC được điều động ra công tác trên đảo, đang công tác trên đảo, có nguyện vọng chuyển cả gia đình ra định cư lâu dài trên đảo.

Nội dung cơ chế, chính sách quy định rõ về đất đai, hỗ trợ phát triển sản xuất và các chính sách khác. Cụ thể, được giao đất sản xuất với hạn  mức theo quy hoạch cụm dân cư và tuỳ theo điều kiện thực tế quỹ đất tại đảo; được giao đất ở với diện tích phù hợp với quy hoạch; hỗ trợ 100% tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ khi được giao đất và cấp giấy CNQSDĐ. Được hỗ trợ lãi suất vay 100% khi vay vốn tại ngân hàng CSXH để sửa chữa tàu, thuyền, mua ngư, lưới cụ, làm dịch vụ hậu cần nghề cá; mức vay tối đa 60 triệu đồng/hộ. Trẻ em học hệ mầm non và học sinh phổ thông học tập trên đảo được hưởng chính sách miễn học phí và hỗ trợ học tập. Trường hợp trên đảo không bố trí được lớp học THCS, THPT thì học sinh được tuyển thẳng vào trường dân tộc nội trú. Dân cư trên đảo được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế để được khám, chữa bệnh; được hưởng tất cả các chính sách của T.Ư và của tỉnh về an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế đang áp dụng đối với hộ nghèo, ở vùng xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh..

Khi Nghị quyết được thông qua, sẽ góp phần ổn định phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh khu vực biển, đảo vùng Đông Bắc của Tổ quốc.

Quang Minh