Thứ tư, 30/04/2025, 3:21 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Phát triển mô hình kinh tế tập thể: Cách nào để phát huy?

Theo thống kê của Liên minh HTX-DNNQD Quảng Ninh, số HTX trên địa bàn tỉnh đạt khá, giỏi chiếm trên 42%; số HTX đạt mức trung bình là 40%, còn lại gần 18% là những HTX yếu kém do gần như không hoạt động hoặc chỉ hoạt động cầm chừng chờ giải thể, chiếm nhiều nhất là ở khu vực miền Đông gồm các huyện Bình Liêu, Ba Chẽ, Hải Hà.



Khó về nhiều mặt

Thực tế, sự phát triển của mô hình kinh tế tập thể này vẫn còn chậm và chưa đồng đều, năng lực nội tại hạn chế; phát triển chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của tỉnh, quy mô thì nhỏ bé so với các thành phần kinh tế khác. Nhiều HTX thiếu vốn sản xuất kinh doanh, quy mô nhỏ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế hàng hoá... Trong cơ cấu vốn, vốn cố định chiếm tỷ trọng cao, vốn lưu động thấp, không đủ để duy trì các hoạt động thường xuyên trong quá trình sản xuất của hộ nông dân, hoạt động dịch vụ đầu vào, đầu ra về phân bón, thức ăn gia súc, giống cây trồng... của các HTX còn đơn điệu, nghèo nàn. Một số loại dịch vụ tuy xã viên có nhu cầu lớn nhưng HTX chưa đáp ứng được, như: làm đất, tiêu thụ nông sản... Tỷ lệ dịch vụ cung ứng cho xã viên còn thấp trong tổng giá trị sản xuất kinh doanh của HTX. Thu nhập của các thành viên Ban Quản lý ở nhiều HTX Dịch vụ nông nghiệp còn thấp (trên dưới 1.000.000 đồng/người/tháng). Hạn chế cơ bản của các HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp là công nghệ lạc hậu, chất lượng sản phẩm không cao và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái ở những mức độ khác nhau, mới chỉ tập trung vào một số nghề truyền thống, có rất ít HTX tham gia sản xuất hàng xuất khẩu và chưa tham gia vào những ngành công nghệ kỹ thuật cao như điện tử, tin học, chế tạo máy... Trong khi đó, những hạn chế này chậm được khắc phục do khó khăn về vốn, lao động.

Xã viên HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong, Đông Triều chăm sóc rau màu.
Xã viên HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong, Đông Triều chăm sóc rau màu.

Theo ông Nguyễn Lương Tá, Chủ tịch Liên minh HTX-DNNQD, nguyên nhân của những tồn tại trên là do mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của nhiều HTX nông nghiệp nhìn chung vẫn chưa thoát khỏi ảnh hưởng của mô hình HTX cũ, cung cách hoạt động còn mang tính bao cấp, phục vụ trong khi nguồn vốn ít nên rất khó có khả năng mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh theo chiều rộng và chiều sâu. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật, nghiệp vụ của các HTX hiện còn yếu và thiếu, tuổi cao, trưởng thành chỉ qua kinh nghiệm, phần lớn chưa qua đào tạo bồi dưỡng dài hạn một cách hệ thống. Cán bộ HTX nông nghiệp chưa gắn bó với kinh tế hợp tác do thu nhập thấp, không được hưởng chính sách so với cán bộ các ngành khác trong xã, phần lớn cán bộ HTX nông nghiệp do sự phân công trong tổ chức của cấp uỷ Đảng cơ sở. Trong khi đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của kinh tế hợp tác chưa đầy đủ. Không ít nơi cấp uỷ, chính quyền chưa phân biệt được sự khác nhau của HTX kiểu cũ và HTX kiểu mới. Mặc dù Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập thể song thực tế nhiều chính sách chưa được hướng dẫn thực hiện hoặc có nhưng chưa sát với tình hình hoạt động của HTX như: chính sách về đất đai, vay vốn tín dụng, đào tạo. Tuy là những đơn vị kinh tế có pháp nhân nhưng hầu như các HTX chưa tiếp cận được với các nguồn vốn vay của ngân hàng vì không có tài sản thế chấp, nhất là các HTX dịch vụ nông nghiệp càng khó khăn hơn vì thị trường hàng hoá trong nông nghiệp, nông thôn chưa phát triển, trong khi năng lực nội tại yếu, lại thiếu cơ chế hỗ trợ nên lúng túng khi xác định chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, giống cây trồng vật nuôi và du nhập nghề. Trong khi đó Quỹ Hỗ trợ Phát triển HTX của tỉnh chưa triển khai cho vay để hỗ trợ HTX.

Giải pháp nào để phát triển?

Phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX là một trong những chủ trương có tính chất chiến lược của Đảng và Nhà nước để phát triển nông nghiệp, nông thôn trên con đường CNH, HĐH, vì vậy để HTX phát triển cần quan tâm đến củng cố và xây dựng mô hình đúng; nguồn lực con người trong HTX; có chiến lược, định hướng kinh doanh, lộ trình phát triển cụ thể; hợp tác, liên doanh, liên kết để cùng phát triển và thành công...

Thiết nghĩ, để mô hình HTX phát triển thì cần nâng cao nhận thức và vai trò trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt là người đứng đầu trong việc lãnh đạo HTX kiểu mới; nhân rộng những mô hình HTX đạt hiệu quả trong thực tế. Bên cạnh đó tỉnh và các ban ngành cần có những chính sách cụ thể cho HTX phát triển; hình thành các HTX dịch vụ cộng đồng, HTX đóng vai trò hợp tác, hỗ trợ nông dân sản xuất hàng hoá và cung ứng nguyên liệu và sản xuất sản phẩm; hỗ trợ bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý cho cán bộ HTX, nâng cao kiến thức cho các thành viên. Bản thân các HTX phải chủ động trong vấn đề tổ chức sản xuất, xây dựng phương án kinh doanh, thị trường tiêu thụ sản phẩm; phát huy năng lực nội tại, thế mạnh của tỉnh; các HTX cần liên kết lại thành lập liên hiệp HTX tạo lập sức mạnh cho sản phẩm nông nghiệp... để tạo thế và đà cho mô hình kinh tế tập thể ngày càng phát triển hơn nữa.

Thanh Hằng