Thứ tư, 30/04/2025, 12:36 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Phát triển thương mại, dịch vụ: Vì sao các trung tâm thương mại, siêu thị lớn vắng khách?

Để cụ thể hoá hướng đi tăng dần tỷ trọng của ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, trong thời gian qua tỉnh đang rất chú trọng phát triển và thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch - dịch vụ. Rất nhiều siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM) được đầu tư xây dựng nhằm tạo sự chuyển dịch tích cực trong cơ cấu kinh tế. Thế nhưng, có một thực tế đang diễn ra hệ thống bán lẻ hiện đại này lại đang hoạt động trong tình trạng hẩm hiu chợ chiều.



Siêu thị vắng khách

Không biết do tác động của suy giảm kinh tế đã làm cho sức mua của người dân giảm hay vì những lý do nào khác mà thời gian gần đây khi đến các siêu thị, TTTM lớn trên địa bàn TP Hạ Long, Cẩm Phả chúng tôi nhận thấy không khí mua sắm ở hệ thống bán lẻ hiện đại này khá ảm đạm so với những năm trước. Có mặt tại Siêu thị Metro Hạ Long một buổi chiều đầu tháng 6 chúng tôi đã không khỏi ngỡ ngàng khi chỉ hơn một năm trước đây khi siêu thị này mới khai trương lượng khách mua hàng dồn dập đổ về đông tới mức có lúc tắc nghẽn thì nay đìu hiu vắng vẻ tới vậy. Các khu hàng chỉ lác đác vài khách xem hàng, trong 18 quầy thanh toán thì chỉ 8 quầy hoạt động, 10 quầy còn lại đều vắng bóng cả khách hàng lẫn thu ngân. Cũng như vậy tại siêu thị Bài Thơ dù đã “bám rễ” hơn 20 năm trên đất Hạ Long, được đánh giá là một trong những siêu thị hoạt động kinh doanh tương đối tốt thế mà những ngày này khách hàng vào siêu thị cũng thưa thớt. Có khách thì cũng chủ yếu tập trung tại một số gian hàng thực phẩm còn lại tại các gian hàng khác chẳng có người đến xem.

Các quầy thanh toán tại siêu thị Metro Hạ Long vắng bóng khách hàng. (Ảnh chụp chiều ngày 14-6-2013).
Các quầy thanh toán tại siêu thị Metro Hạ Long vắng bóng khách hàng. (Ảnh chụp chiều ngày 14-6-2013).

Đến Siêu thị Quảng Long, một siêu thị nằm ở vị trí khác đắc địa, ngay ở khu vực ngã tư Tổng hợp, phường Cẩm Đông - một phường trung tâm của TP Cẩm Phả nhưng ở Quảng Long cũng rất thưa khách. Theo quan sát của chúng tôi, số lượng khách trên mỗi tầng siêu thị cũng chỉ từ 5-7 người. Một vài người vào siêu thị ngắm đồ rồi ra về tay không, một số khác tiện trên đường đi chơi tranh thủ tạt qua mua hộp bánh, gói kẹo làm quà biếu.

Thiếu năng lực cạnh tranh?

Ông Ngô Viết Long, Giám đốc siêu thị Quảng Long (TP Cẩm Phả) cho biết: Những ngày đầu khai trương, hoạt động kinh doanh của siêu thị Quảng Long tương đối tốt, khách hàng đến mua sắm nườm nượp. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, khách hàng đến mua sắm ở siêu thị ngày một giảm, họ quay trở về với thói quen mua sắm truyền thống ở các chợ, cửa hàng tạp hoá. Qua khảo sát của chúng tôi thấy là thực trạng chung của hầu hết các siêu thị, TTTM trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, đồng chí Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Chính do suy nghĩ giá rẻ và kiểu mua bán nhanh chóng, thuận tiện của các cửa hàng tạp hoá hiện vẫn còn ăn sâu vào thói quen mua sắm của người dân nên ban đầu khi các siêu thị, TTTM mới khai trương người dân dồn dập đổ về mua sắm nhưng chỉ một thời gian ngắn là họ lại quay về thói quen tiêu dùng truyền thống ở các cửa hàng tạp hoá, đại lý hay chợ. Cộng với đó hiện nay các siêu thị chưa có khả năng thay thế các chợ truyền thống trong việc cung cấp các mặt hàng thực phẩm tươi sống phục vụ nhu cầu hàng ngày của người tiêu dùng, dù rằng đã có một số siêu thị có kinh doanh các mặt hàng này nhưng còn hạn chế về số lượng. Bên cạnh đó, các siêu thị hiện nay chủ yếu hoạt động theo mô hình độc lập. Trong quá trình hoạt động, mô hình siêu thị này bộc lộ nhiều hạn chế, như không có sự hỗ trợ về giá của các nhà phân phối (nhập hàng với số lượng thấp nên chiết khấu ít), hàng tồn kho thường kéo dài, số lượng mặt hàng không đa dạng... Đây chính là những nguyên nhân khiến người tiêu dùng ít mua sắm ở các siêu thị, TTTM.

Theo quy định của Bộ Công thương thì siêu thị là một loại hình kinh doanh tiên tiến thể hiện trình độ văn minh thương mại ở cấp độ cao được áp dụng phổ biến ở các nước phát triển. Phương thức kinh doanh chủ yếu của siêu thị là bán lẻ kết hợp với một phần bán buôn. Hàng hoá bày bán trong siêu thị phong phú, đảm bảo chất lượng, giá cả niêm yết công khai. Siêu thị có thể áp dụng bán hàng qua điện thoại, qua mạng… Tuy nhiên, trong thời gian qua, đã xuất hiện tình trạng khách hàng phàn nàn vì mua phải hàng kém chất lượng, giá sản phẩm không đúng với giá niêm yết hoặc vì thái độ phục vụ của nhân viên, chế độ chăm sóc khách hàng mà các siêu thị đang áp dụng. Chuỗi sản xuất - phân phối - bán lẻ còn rời rạc, tốn nhiều chi phí đã làm giá cả hàng hoá bị đẩy lên cao, nguồn hàng trong hệ thống bấp bênh, không ổn định làm cho hiệu quả kinh doanh, hiệu quả xã hội chưa được như mong muốn. Đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, nhu cầu mua sắm, sử dụng các dịch vụ mang tính văn minh thương mại ngày càng cao. Trong thời gian qua dù rằng trên địa bàn tỉnh đã và đang có nhiều siêu thị, TTTM lớn hoạt động nhưng một số người dân vẫn đến các siêu thị lớn của các tỉnh lân cận như BigC Hải Phòng, Hà Nội để mua hàng. Theo chị Nguyễn Thị Minh Hà, tổ 4, khu 6, phường Hồng Hà (TP Hạ Long) cho biết: Tôi biết ở trên địa bàn đã có những siêu thị, TTTM lớn nhưng vì tiện hàng tháng lên Hà Nội thăm con nên tôi đến luôn các siêu thị lớn ở Hà Nội để mua các đồ dùng của gia đình. Với lại một số siêu thị lớn ở Hà Nội có hàng hoá phong phú hơn, nhiều dịch vụ phục vụ tiện ích. Còn những thực phẩm cần sử dụng hàng ngày đều mua ở các chợ truyền thống vì trong siêu thị rất ít khi có được những mặt hàng tươi sống như ở chợ. Với lại việc thực hiện các thủ tục thanh toán ở siêu thị hơi chậm, nhiều khi phải chờ khá lâu.

Để tạo sức hút

Để tạo được chuỗi các TTTM, siêu thị phục vụ cho phát triển văn minh thương mại trên địa bàn từ cuối tháng 9-2011, Trung tâm bán sỉ  Metro Hạ Long do Tập đoàn Metro Cash & Carry đầu tư xây dựng đã được khánh thành và đưa vào hoạt động, trên diện tích 2,3ha, với trên 25.000 mặt hàng. Siêu thị này được thiết kế hiện đại có trên 200 chỗ đỗ xe miễn phí cho khách hàng, đảm bảo tiêu chuẩn của một TTTM cao cấp. Và mới đây nhất, Dự án Trung tâm Thương mại và Đại siêu thị BigC Hạ Long do Công ty CP Bất động sản Việt - Nhật đầu tư xây dựng với tổng vốn đầu tư là 350 tỷ đồng đã được khởi công xây dựng tại phường Hồng Hải (TP Hạ Long). Trung tâm Thương mại và Đại siêu thị BigC Hạ Long được xây dựng theo mô hình TTTM xanh. Ngoài ra hiện nay một số doanh nghiệp cũng đang tiếp tục đầu tư xây mới các siêu thị, TTTM như Công ty CP TM&SX Quảng Long đầu tư xây dựng TTTM tại khu đất bến xe Địa Chất, phường Cẩm Thuỷ (TP Cẩm Phả).

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc xây dựng các TTTM, siêu thị mới chủ yếu tập trung tại 3 đô thị lớn là Hạ Long, Móng Cái và Cẩm Phả. Sự phân bố chưa hợp lý này chưa đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân trên toàn địa bàn. Đó là chưa kể về chất lượng các TTTM, siêu thị có quy mô lớn về diện tích, trang thiết bị hiện đại không nhiều, phần lớn có diện tích nhỏ, chỗ để xe cho khách chật hẹp, thậm chí có siêu thị không có chỗ để xe và nhà vệ sinh. Hàng hoá kinh doanh tại các TTTM, siêu thị khá phong phú, nhưng các mặt hàng thực phẩm, rau quả tươi, thuỷ hải sản chiếm tỷ trọng thấp…

Cùng với việc đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, sự mở cửa hội nhập quốc tế với đầu tư nước ngoài sẽ kích thích nhu cầu sử dụng văn minh thương mại của người tiêu dùng tăng lên. Chính vì vậy đòi hỏi hệ thống siêu thị, TTTM bên cạnh chiến lược đầu tư tốt, cần nâng cao chất lượng phục vụ, dịch vụ đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

Lan Hương - Cao Quỳnh