Thứ tư, 30/04/2025, 16:42 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Không phải mùa lũ mà đập vỡ, chứng tỏ thi công rất ẩu

Chính Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải là người đặt ra vấn đề: “Không phải vì chưa xảy ra chết người mà không xử lý trách nhiệm”. Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều nay, ông nhận xét: Đây không phải là mùa lũ mà lại bị vỡ, chứng tỏ thi công rất ẩu.



Thưa Phó Thủ tướng, sự cố vỡ đập đang gây sự chú ý của dư luận, quan điểm của Chính phủ về sự cố này?

- Hiện nay chúng tôi đang cho kiểm tra về thiết kế, thi công, giám sát xem có đảm bảo chất lượng hay không? Việc này phải kiểm tra kỹ vì đây không phải là mùa lũ mà đập lại vỡ, chứng tỏ thi công rất ẩu. Thủ tướng cũng có ý kiến chỉ đạo phải kiểm tra, xử lý nghiêm những sai phạm xảy ra.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải.

Đập đất không phải là không bền vững, nhưng nó đòi hỏi phải thi công theo đúng tiêu chuẩn. Rất may không dẫn đến chết người và cũng may là xảy ra ban ngày. Chứ nếu vào mùa lũ, tích nước đầy thì rất nguy hiểm. Làm như thế là không thể chấp nhận được.

Thưa Phó Thủ tướng, trách nhiệm giám sát chính đối với việc xây dựng đập thuộc về cơ quan nào?

- Đối với những dự án này có địa phương giao cho sở công thương, nhưng cũng có nơi giao cho sở xây dựng. Hiện nay các bộ cũng đã vào cuộc và sẽ kiểm tra, xử lý, tìm nguyên nhân để rút kinh nghiệm cho các đập khác.

Thông thường các đập nhỏ thì đáng lo ngại hơn vì nhiều khi chủ quan. Còn các đập lớn kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hơn. Cần phải lưu ý đặc biệt các đập nhỏ, vì những mùa lũ qua cũng đã có một vài đập nhỏ bị vỡ. Đây là kinh nghiệm quan trọng để không lặp lại. Cái chính là phải xử lý nghiêm.

Sau vụ việc này, Chính phủ hay Bộ Công Thương có rà soát lại các đập thủy điện nhỏ trên toàn quốc không, thưa Phó Thủ tướng?

- Vừa rồi các bộ đã đi kiểm tra. Đập lớn Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng kiểm tra. Đập nhỏ thì trách nhiệm kiểm tra thuộc địa phương. Trong tổng 7.000 hồ thì có 1.000 là hồ thủy điện còn lại là hồ thủy lợi. Vừa rồi, kiểm tra cả hồ chứa thủy điện và thủy lợi để khắc phục các bất ổn. Mỗi địa phương ở miền Trung có 200-300 hồ cho nên công tác kiểm tra bảo đảm an toàn trước mùa lũ năm nào cũng thực hiện nhưng đúng là có bất cập về vốn. Cái chính là công tác kiểm tra kiểm soát phải thường xuyên và chúng ta phải rút kinh nghiệm làm cho tốt hơn trong thời gian tới.

Theo Nghị định 15, công trình thủy điện thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương, vậy khi xảy ra thì bộ chịu hay chính quyền địa phương, Thưa Phó Thủ tướng?

- Trong phân công, phân cấp các hồ thủy điện thì trách nhiệm thuộc Bộ Công Thương. Hồ thủy điện từ 30MW trở xuống thì phân cấp cho địa phương. Còn về quy hoạch, đầu tư xây dựng, theo phân cấp mà tính trách nhiệm. Địa phương giao cho sở ngành nào thì theo phân cấp mà chịu trách nhiệm. Như tôi nói, đây là một sự cố lớn, tuy nó không xảy ra thiệt hại về người nhưng chẳng qua đấy là may thôi, chứ nếu không thì thành thảm họa. Việc rút kinh nghiệm, Chính phủ yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc và có xử lý nghiêm. Đây  là cơ sở, là điều kiện để các bộ ngành, địa phương kiểm tra kiểm soát.

Thực tế cả mấy năm nay CP thường xuyên chỉ đạo, QH thường xuyên hỏi thăm và không có kỳ họp nào không có báo cáo nào về thủy điện. Năm nay Bộ Công Thương vừa có báo cáo và cuối năm ngoái Bộ XD cũng đã có báo cáo về an toàn hồ đập. Sang năm thì QH đang lấy ý kiến ĐBQH xem có giám sát về thủy điện nữa không. Thực tế việc ấy đã được QH, CP và các bộ, ngành rất quan tâm.

Các địa phương vừa rồi cũng rà soát lại thủy điện thuộc quản lý của mình, chủ động loại dự án không đảm bảo khả thi. Tất nhiên những trường hợp làm gian, làm ẩu ở đâu cũng xảy ra nếu mình không thường xuyên kiểm tra, kiểm soát. Cái chính là phải phát hiện được để không xảy ra thảm họa. Như tôi nói thì các sự cố công nghiệp rất dễ xảy ra thảm họa và nếu không tính toán trước, không kiểm tra thường xuyên thì không có cơ hội để rút kinh nghiệm.

Tới đây có chế tài mạnh mẽ hơn đối với những trường hợp vi phạm các công trình có nguy cơ đe dọa lớn, thưa Phó Thủ tướng?

- Chế tài thì mình có hết rồi. Như trường hợp cái đập này, Cục Giám định sẽ vào cuộc, Cục An toàn Bộ Công Thương đã vào, UBND tỉnh vào, tới đây các bộ sẽ còn tiếp tục vào kiểm tra nữa. Phải xem xét trách nhiệm thiết kế thuộc về ai, thi công, thiết kế, nghiệm thu, vận hành, thấm như thế anh có phát hiện ra không và phải xử lý trách nhiệm. Không phải vì chưa xảy ra chết người mà không xử lý trách nhiệm. Những công trình ở nơi khác cũng cần kiểm tra, xử lý để tạo sức răn đe cho các chủ đầu tư khác.

Phải chăng thủy điện phát triển ồ ạt quá, vượt quá sức kiểm soát của chính quyền địa phương đối với các dự án nhỏ cũng như sự quản lý của trung ương, thưa Phó Thủ tướng?

- Cũng có phần đúng đối với một số địa phương nào đó vì thủy điện phát triển dẫn đến quá sức quản lý. Thế nhưng cái đó tùy theo năng lực của địa phương để người ta quyết định thôi. Chúng ta là một quốc gia thiếu nước và việc xây dựng các hồ thủy lợi ta vẫn phải làm, nếu không sẽ không đảm bảo đủ nước, là vấn đề đe dọa thế giới và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Nếu ta không tính trước, không đầu tư thì không đủ nước để phát triển cho tương lai.

Những vùng như Tây Nam Bộ còn khó khăn vì thiếu tới 40% nước, rồi tình trạng nước biển dâng, lún sụt nhưng địa hình của họ không cho phép xây dựng các hồ chứa nước ngọt, đấy là mối đe dọa cho sản xuất lương thực, phát triển ổn định bền vững với Đồng bằng sông Cửu Long. Cho nên những vùng mình xây dựng được hồ chứa nước thì phải tận dụng để phát triển, bảo đảm phát triển bền vững. Tất nhiên không vì thế mà làm bừa, bởi làm bừa sẽ xảy ra thảm họa.

- Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng.

Theo Lao động