Thứ tư, 30/04/2025, 0:42 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi: Cụ thể, thiết thực

Trong những năm qua, các cấp hội nông dân (HND) Quảng Ninh đã tích cực phát động, triển khai sâu rộng phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi trong toàn thể hội viên. Với những cách làm cụ thể, thiết thực cùng với sự nỗ lực cố gắng của các hội viên nông dân, số hộ hội viên đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện ngày một tăng.



Từ sự hỗ trợ thiết thực

Xác định việc phát động và đẩy mạnh phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng sẽ là động lực thúc đẩy hội viên tham gia thi đua sản xuất kinh doanh nên những năm qua, phong trào này đã được các cấp hội phát động rộng rãi đến toàn thể hội viên. Đến nay, toàn tỉnh đã có 2.810 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, trong đó có hơn 2.200 hộ phát triển sản xuất với quy mô trang trại. Các hộ sản xuất kinh doanh giỏi đều có mức thu nhập sau khi đã trừ chi phí đạt hàng trăm triệu đồng/năm; cá biệt có nhiều hộ đạt hàng tỷ đồng/năm. Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã tạo động lực cho nông dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất; phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại, gia trại, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô vừa và nhỏ gắn với sản xuất hàng hoá.

Cơ sở sản xuất miến dong của ông La A Chiu (thôn Nà Ếch, xã Húc Động) - một trong những hộ đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi của huyện Bình Liêu.
Cơ sở sản xuất miến dong của ông La A Chiu (thôn Nà Ếch, xã Húc Động) - một trong những hộ đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi của huyện Bình Liêu.

Để giúp hội viên nông dân có kinh nghiệm sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, từ năm 2008 đến nay, các cấp hội đã phối hợp với các trung tâm khuyến nông, lâm, ngư mở 7.091 lớp tập huấn phổ biến, hướng dẫn cho 625.768 lượt hội viên nông dân về kỹ thuật cũng như kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản và phòng trừ dịch bệnh; tư vấn, giới thiệu cung ứng vật tư phân bón, thức ăn chăn nuôi, giống cây, con, máy nông cụ cho nông dân đảm bảo chất lượng và phù hợp về giá cả. Cùng với đó, hội nông dân các cấp đã phối hợp triển khai thực hiện 177 mô hình sản xuất làm cơ sở để nhân rộng, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất với tổng kinh phí xây dựng mô hình là 23,715 tỷ đồng. Bên cạnh việc hỗ trợ tích cực về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất, các cấp hội nông dân đã tích cực phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng khác tạo điều kiện cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Từ năm 2008-2013, các cấp hội đã đứng ra tín chấp ngân hàng vài trăm tỷ đồng cho 360.035 lượt hộ nông dân vay vốn với lãi suất ưu đãi, tăng 240% so với giai đoạn 2003-2008. Cùng với đó, các cấp hội tiếp tục duy trì thực hiện 123 dự án vay vốn tạo việc làm và gần 200 mô hình hỗ trợ sản xuất, trong đó tập trung vào công tác khuyến nông, khuyến ngư, hỗ trợ hội viên nông dân vùng khó khăn vật tư, thiết bị, nông cụ phục vụ sản xuất, chế biến nông, lâm, thuỷ sản.

Mở ra những hướng làm giàu

Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi với sự hỗ trợ đắc lực của các cấp hội nông dân đã mở ra những hướng làm giàu bền vững cho hàng nghìn hội viên nông dân. Phong trào đã từng bước đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, gia trại, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô vừa và nhỏ gắn với thị trường.

Ở thôn Nà Ếch, xã Húc Động (Bình Liêu), mọi người đều biết đến ông La A Chiu là một trong số những điển hình trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi. Cùng với sản xuất nông nghiệp, gia đình ông La A Chiu đã đẩy mạnh phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp với nghề truyền thống sản xuất miến dong. Vốn có nghề từ lâu, đến năm 2010, ông Chiu đã mở cơ sở sản xuất miến dong trên tinh thần xây dựng thương hiệu miến dong Bình Liêu, phát triển kinh tế gia đình. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, ông đầu tư 1 dây chuyền thiết bị chế biến miến trị giá là 80 triệu đồng, bao gồm 1 máy xát, 1 máy rửa nguyên liệu và 1 máy tráng. Qua các đợt tập huấn kỹ thuật sản xuất, công tác quản lý sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm do Phòng Nông nghiệp, Hội Nông dân huyện tổ chức, đến nay, ông La A Chiu đã phát triển cơ sở sản xuất miến dong của gia đình thành sản phẩm hoàn thiện được đóng gói, in nhãn mác, rồi cung cấp miến dong ra thị trường. Từ cơ sở sản xuất này, mỗi năm gia đình ông La A Chiu có thu nhập trên 900 triệu đồng, và là một trong những hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu của huyện Bình Liêu.

Còn ông Ngô Văn Tích, thôn Cửa Ngăn, phường Phương Đông (Uông Bí) được mọi người biết đến với sự mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm với việc đầu tư, phát triển mô hình trang trại kết hợp trồng trọt và chăn nuôi. Từ một sĩ quan quân đội nghỉ hưu, về Phương Đông, với diện tích trang trại hơn 4ha, ông đã bố trí xây dựng trang trại một cách khoa học, quy mô bao gồm 1ha xây dựng chuồng trại nuôi hơn 100 con lợn rừng, 1,5ha xây dựng khu nuôi gà thả đồi, với tổng kinh phí đầu tư là 9,8 tỷ đồng, từ mô hình này, hàng năm đã cho ông thu nhập từ 400 đến 500 triệu đồng. Cùng với đó, ông Tích còn mở rộng quy mô trang trại trồng thanh long ruột đỏ với diện tích gần 2ha. Sau 3 vụ thu hoạch, mỗi năm thanh long ruột đỏ đã cho gia đình thu nhập 300-400 triệu đồng. Còn ông Nguyễn Văn Ban, nông dân khu phố Bãi, phường Quảng Yên (TX Quảng Yên) lại được biết đến là một hội viên nông dân tích cực, mạnh dạn trong phát triển kinh tế thuỷ sản. Trước thực trạng tại địa phương vẫn còn nhiều diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả, ông đã mạnh dạn nhận thầu 4ha đất cấy lúa kém hiệu quả, cải tạo, đầu tư xây dựng ao đầm phát triển nghề nuôi trồng thuỷ sản, trong đó có nuôi cá vược, nuôi tôm thẻ chân trắng Nam Mỹ. Từ nguồn vốn vay của quỹ hỗ trợ nông dân và của ngân hàng, từ năm 2009 đến nay, ông Ban đã mạnh dạn nuôi trồng thuỷ sản theo hướng VietGap cho hiệu quả kinh tế cao. Từ năm 2009 đến nay, thu nhập bình quân từ nuôi trồng thuỷ sản của gia đình ông luôn đạt từ 300-500 triệu đồng/năm và tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động.

Có thể nói, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nông dân, thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia. Tác động mạnh mẽ tới việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, khai thác được tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong lao động sản xuất của nông dân, tạo ra nhiều sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp có giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, giảm nghèo bền vững cho nông dân.

Dương Trường