“Vỡ” niềm tin của dân, quy hoạch của địa phương
Dọc QL10 đoạn thuộc địa phận phường Phương Nam ra cầu Đá Bạc, thật dễ dàng nhận ra khu CNPN. Không phải bởi dáng vóc một khu công nghiệp rộng trên 700ha, tổng mức đầu tư trên 1.200 tỷ đồng, thiết kế đồng bộ với những đơn vị sản xuất sử dụng công nghệ cao như mục tiêu, quy mô ban đầu của dự án, mà thay vào đó là một vùng rộng lớn lau lách và mặt nước bỏ hoang, thỉnh thoảng mới có vài ô ruộng trồng lúa, song do không được chăm sóc nên cây lúa cũng èo uột. Khu vực “hoành tráng” nhất của dự án có lẽ là nơi dựng tấm biển quy hoạch trên có sơ đồ và biểu thị lô gô của chủ đầu tư -Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc. Thế nhưng, tấm biển cũng đã xuống cấp, cốt sắt cong vênh, chữ viết, sơ đồ nhạt màu, nhoè nhoẹt. Theo chân nhóm nông dân khu Hiệp An 2, những người trong diện thu hồi đất bởi khu CNPN, chúng tôi tới khu vực gần giáp lạch nước. Nhìn những ô ruộng ngập nước lơ thơ vài cây lúa hoặc bị bỏ hoang, chúng tôi thật sự tiếc cho nguồn tư liệu sản xuất của bà con nơi đây đang bị hoài phí.
![]() |
Có lẽ nơi “hoành tráng” nhất của KCN Phương Nam chính là tấm biển công khai quy hoạch nhạt màu này. Ảnh: Việt Hoa |
Chị Nguyễn Thị Hiền, người có gần 8 sào đất canh tác tại khu vực này buồn buồn nói: “Chỗ này cấy lúa thì không ăn thua, thế nhưng cải tạo để nuôi thả cá tôm thì lại được. Các ô nuôi thả thuỷ sản bên cạnh kia năm nào cũng cho thu cao hơn hàng chục lần trồng lúa đấy, nhiều nhà giàu lên từ đó. Thế nhưng nhà tôi thì lại không làm được, vì ngặt một nỗi đã là đất nằm trong quy hoạch dự án, dù là chưa được một đồng tiền đền bù nào thì vẫn phải giữ nguyên hiện trạng, không được chuyển đổi. Bởi vậy, có thể nói, với đất đai của mình, chúng tôi có thể làm giàu, song lại không được làm”. Thực tế không ít các hộ dân có diện tích đất ở đây mong muốn được chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản để nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế như gia đình chị Hiền thì lại không được.
Anh Bùi Ngọc Hoan, Trưởng khu Hiệp An 2 bày tỏ thêm: “Nói thật là chúng tôi đã quá chán ngán “cái anh” khu CNPN này rồi. Khi khởi công, nói thì hoành tráng lắm, vẽ ra khung cảnh cũng rất huy hoàng, thế mà từ mấy năm trời nay rồi chẳng hề thấy có biến chuyển gì. Trong khi đó, dân vì tư tưởng đất dự án, chờ tiền bồi thường nên cũng chẳng chí thú canh tác, cải tạo; những người muốn canh tác thì lại bị bó buộc, hạn chế, dẫn đến không làm được”.
Tình trạng “treo” của khu CNPN không chỉ hoang phí đất đai, vốn là kế sinh nhai của nông dân, mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của phường Phương Nam.
![]() |
Sau 3 năm triển khai, KCN Phương Nam vẫn chỉ là một vùng đất hoang, thỉnh thoảng mới có nơi được canh tác trồng trọt. |
Ông Bùi Hải Trường, Bí thư Đảng uỷ phường cho biết: “Dự án khu CNPN chiếm đến gần 1/3 diện tích đất tự nhiên của toàn phường. Với lợi thế về giao thông và vị trí điểm đầu tiếp giáp với thành phố cảng Hải Phòng, nên khi có dự án này chúng tôi đã tính tới việc quy hoạch địa bàn trở thành vùng trọng điểm công nghiệp. Như vậy người lao động sẽ làm việc tại các doanh nghiệp, phường cũng sẽ có nguồn thu từ đóng góp của các đầu mối này… Thế nhưng thực tế đến thời điểm này công nghiệp chẳng thấy đâu, chỉ thấy đất đai của người dân không được canh tác hiệu quả; chúng tôi cũng không dám khuyến khích người dân chuyển đổi mục đích sử dụng để tăng giá trị của đất, nhất là chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản, vốn đang là thế mạnh, là mô hình làm giàu bền vững của Phương Nam. Bởi vậy có thể nói, nếu kéo dài thêm tình trạng này thì cũng có nghĩa Phương Nam đã bị phá vỡ quy hoạch và dần mất đi cơ hội phát triển của mình”.
Chủ đầu tư thiếu trách nhiệm, năng lực?
Như vậy tính từ thời điểm khởi công vào cuối tháng 4-2010 đến nay, Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc mới chỉ vỏn vẹn thực hiện được 3 hoạt động. Đó là công khai quy hoạch chi tiết; báo cáo đánh giá tác động môi trường; hợp đồng với TP Uông Bí kiểm đếm được 240/410 hộ dân bị thu hồi đất. Trong khi đó, theo giấy chứng nhận đầu tư, đến thời điểm này Tổng Công ty phát triển đô thị Kinh Bắc phải hoàn thành đền bù giải phóng mặt bằng 100% diện tích đất thu hồi; hoàn thành 60% tổng hạng mục công trình cấp nước, 60% tổng hạng mục công trình cấp điện, 40% hệ thống cấp nước thải và 20% nhà máy.
Trao đổi với chúng tôi về tình trạng khu CNPN, ông Nguyễn Đình Trung, Phó Chủ tịch UBND TP Uông Bí bức xúc nói: “Tôi cho rằng phải xem lại tinh thần trách nhiệm và năng lực của chủ đầu tư. Với vai trò của địa phương, chúng tôi đã tạo điều kiện hết sức có thể cho chủ đầu tư, thế nhưng đáp lại đơn vị này dường như chẳng triển khai việc gì cả, thậm chí cũng chẳng thiện chí phối hợp với chúng tôi để giải quyết vướng mắc phát sinh nữa”.
Cùng suy nghĩ với ông Trung, ông Phùng Danh Đài, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh cho biết: “Khu CNPN là một dự án lớn, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, TP Uông Bí nói riêng. Vì vậy, thiết nghĩ đơn vị chủ đầu tư lại càng cần phải chủ động, trách nhiệm bắt tay với địa phương nhằm giải quyết khó khăn tồn tại, đẩy nhanh tiến độ dự án. Thế nhưng cách mà Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc thể hiện trong thời gian qua đúng là chưa thực sự thiện chí”.
Thực tế bức xúc của ông Nguyễn Đình Trung, cũng như trăn trở của ông Phùng Danh Đài không phải không có cơ sở. Để hỗ trợ doanh nghiệp, ngay từ ban đầu, TP Uông Bí đã chuẩn bị nhân lực và kinh phí để tổ chức kiểm đếm, xây dựng phương án đền bù cho dân để doanh nghiệp làm cơ sở thực hiện bồi thường. Thế nhưng đến thời điểm này, Công ty chưa bồi thường một đồng nào cho người dân, đồng thời cũng không bỏ chi phí phục vụ việc thực hiện hoạt động trên như thoả thuận. Ngoài ra, kể từ đó đến nay, các đơn vị chức năng thành phố đã nhiều lần tổ chức các hoạt động tháo gỡ vướng mắc, nhằm đẩy mạnh tiến độ dự án, thế nhưng đại diện chủ đầu tư thường vắng mặt, nếu có người đến dự cũng gọi là cho có chứ không cam kết hay chịu trách nhiệm về bất cứ nội dung gì. Ngay trong thời gian 15 tháng gần đây chủ đầu tư không triển khai bất cứ hoạt động gì, mặc dù TP Uông Bí đã vài lần mời đại diện Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc về giải quyết, song đơn vị này đều viện cớ vắng mặt. Đối với Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh thời gian qua cũng đã phối hợp giải quyết tất cả các kiến nghị của Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc. Đơn cử như việc tìm địa điểm khai thác vật liệu san lấp mặt bằng; cho phép đầu tư khu đô thị, nhà ở công nhân… Ngoài ra một số kiến nghị khác cũng đã được Ban Quản lý Khu Kinh tế giải thích, hướng dẫn đầy đủ, đúng quy định. Thế nhưng kết quả dự án khu CNPN vẫn cứ “bất động”.
Đã đến lúc phải mạnh tay với khu CNPN
Vẫn biết rằng trong thời điểm suy thoái kinh tế, chủ đầu tư cũng gặp không ít khó khăn, song như đã thấy ở trên, tình trạng chậm triển khai các hạng mục công trình thuộc dự án khu CNPN đã và đang tác động tiêu cực đến người dân và chính quyền địa phương, khiến dân mất lòng tin, chính quyền phải giải quyết các hậu quả phát sinh. Bởi vậy, thiết nghĩ chủ đầu tư cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc thực hiện những cam kết của mình. Còn đối với các đơn vị chức năng cũng đã đến lúc phải mạnh tay với các dự án “treo”, trong đó có khu CNPN để tạo cơ hội cho các nhà đầu tư có năng lực cũng như các dự án khả thi khác.
Ông Bùi Hải Trường, Bí thư Đảng uỷ phường Phương Nam khẳng định: “Về góc độ địa phương, đương nhiên chúng tôi thật sự mong dự án khu CNPN trở thành hiện thực, chủ đầu tư khẩn trương triển khai các hạng mục theo kế hoạch. Tuy nhiên, nếu không được như vậy, dự án này không khả thi thì cũng rất mong các đơn vị chức năng cấp trên kiên quyết xử lý, sớm đưa ra kết luận cuối cùng để địa phương kịp thời điều chỉnh và định hướng phát triển”.
Đồng quan điểm với ông Trường, ông Phùng Danh Đài, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh cho biết: “Quan điểm của tỉnh là luôn hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho chủ đầu tư. Thế nhưng, nếu chủ đầu tư thực sự yếu, thực sự không đưa ra được giải pháp khắc phục nào khả thi, thì đương nhiên chúng tôi sẽ thực hiện theo luật, kiên quyết thu hồi lại. Thực tế, trong thời gian qua tỉnh đã kiên quyết thu hồi nhiều dự án chậm triển khai, việc này thể hiện quyết tâm của tỉnh trong việc kiên quyết chấn chỉnh tình trạng dự án “treo” trên địa bàn”.
Việt Hoa