Thứ tư, 30/04/2025, 14:38 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Quản lý dịch vụ Internet công cộng: Còn bị buông lỏng

Còn nhớ, khoảng gần 10 năm trước, vấn đề siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ Internet đã được cơ quan quản lý nhà nước xới xáo bằng rất nhiều văn bản, quy phạm pháp luật. Thế nhưng, sau đó, việc quản lý như thế nào, hiệu quả ra sao thì lại gần như bỏ ngỏ... Thực tế, hoạt động của các cơ sở dịch vụ Internet hiện nay vẫn còn rất nhiều bất cập, nhất là việc quản lý dịch vụ trò chơi game online...


 
Từ năm 2005, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2236/QĐ-UB kèm theo quy định về quản lý hoạt động đại lý Internet công cộng trên địa bàn tỉnh. Năm 2008 Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 97/2008/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet quy định chi tiết về điều kiện hoạt động, sử dụng và cách thức xử lý đối với hoạt động cung cấp, sử dụng, kinh doanh Internet… Mục đích của các văn bản, quy phạm pháp luật này là siết chặt quản lý dịch vụ Internet. Thế nhưng, hầu hết các đại lý vẫn tìm mọi cách “lách luật” để trục lợi.

Đại lý Game online không có biển hiệu. (Ảnh chụp tại đại lý Internet trên đường Nguyễn Văn Cừ,  gần trụ sở Điện lực TP Hạ Long).
Đại lý Game online không có biển hiệu. (Ảnh chụp tại đại lý Internet trên đường Nguyễn Văn Cừ, gần trụ sở Điện lực TP Hạ Long).

Dạo một vòng quanh các đại lý cung cấp dịch vụ Internet, game online trên địa bàn TP Hạ Long, điều dễ nhận thấy là hầu hết các đại lý này có diện tích nhỏ hẹp, thiếu ánh sáng và nằm khép mình trên các dãy phố. Đặc biệt, mặc dù trong Quyết định số 2236/2005-QĐ/UBND ngày 6-7-2005 của UBND tỉnh quy định, các đại lý kinh doanh dịch vụ phải niêm yết giá, ghi thông tin đại lý đầy đủ trên biển quảng cáo của mình, thế nhưng, hầu hết các đại lý, cửa hàng kinh doanh lĩnh vực này đều không tuân thủ. “Mục sở thị” tại một cửa hàng Internet công cộng trên đường Nguyễn Văn Cừ (TP Hạ Long), chúng tôi thấy rõ sự chật chội, oi bức. Giữa cái nắng nóng như thiêu đốt cộng thêm sức nóng từ hàng chục chiếc máy vi tính toả ra, càng làm cho không gian ở đây thêm ngột ngạt. Thế nhưng, các game thủ, chủ yếu là lứa tuổi học sinh, sinh viên vẫn say sưa cắm mặt vào màn hình máy tính. Theo người quản lý cửa hàng này, đây đang là dịp học sinh, sinh viên được nghỉ hè nên lượng khách tới chơi tại đây rất đông bất kể thời gian. Còn thông thường, khách chỉ đông vào buổi chiều hoặc tối và chủ yếu là chơi game online. Khi chúng tôi hỏi về các loại game bạo lực bị cấm chơi như: Game Chiến quốc, Độc bá giang hồ, Chinh đồ, Võ lâm truyền kỳ... người quản lý thủng thẳng nói: “Trước đây cấm nhưng giờ mọi người vẫn chơi ầm ầm có sao đâu. Cấm thì cứ cấm, chơi cứ chơi. Nói là cấm nhưng có ai xuống kiểm tra đâu? Bây giờ nhiều game online đa số chạy trên nền Web không phải cài đặt, nên nếu có cơ quan chức năng xuống kiểm tra chỉ cần tắt đi là không có dấu vết”.

Cũng theo quy định tại Quyết định số 2236/2005-QĐ/UBND của UBND tỉnh, người dưới 14 tuổi khi sử dụng dịch vụ phải có người lớn đi kèm và chịu trách nhiệm. Các đại lý cung cấp dịch vụ phải lưu thông tin khách hàng như: Tên, tuổi, địa chỉ, số máy sử dụng... Tuy nhiên, hầu hết các đại lý Internet công cộng đều không thực hiện, hoặc có thực hiện cũng chỉ mang tính đối phó. Theo quan sát của chúng tôi, ở mỗi đại lý kinh doanh dịch vụ Internet mặc dù trên tấm biển ghi là đại lý Internet công cộng, tuy nhiên, gần như 100% các máy đang có khách ngồi đều chơi game online đủ thể loại, đặc biệt là những game bạo lực như: Cross Fire, Kiếm thánh, Chinh đồ, Cổ long online, Độc bá giang hồ… Khách hàng tới chơi thì đủ mọi lứa tuổi và đông nhất vẫn là học sinh, sinh viên. Em Nguyễn Văn Nam, cho biết: “Trong số bọn em, hầu như nhà đứa nào cũng có máy tính nhưng chúng em thích ra ngoài quán chơi hơn vì ở nhà chơi một mình chán lắm. Chơi dịp này cũng thích hơn vì được tụ tập “cầy” game mà bố mẹ không biết”.

Trong khi các chủ cửa hàng tìm mọi cách đối phó, “lách” các quy định thì sự tham gia, vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước lại có phần lỏng lẻo. Chẳng hạn như đợt kiểm tra các đại lý dịch vụ Internet công cộng gần đây nhất của Sở TT&TT là vào cuối năm 2012. Tuy nhiên, Đoàn thanh tra của Sở cũng chỉ kiểm tra tình hình an ninh, trật tự chứ chưa hề kiểm tra nội dung game và thời gian chơi của các game thủ. Còn với những lỗi của các cơ sở kinh doanh, theo người quản lý một điểm dịch vụ Internet công cộng trên đường Nguyễn Văn Cừ thì các cơ quan chức năng có kiểm tra nhưng chỉ nhắc nhở thôi vì đấy là những lỗi nhỏ...(?!). Chính điều này đã tạo ra những lỗ hổng rất lớn cho các cơ sở kinh doanh Internet trục lợi. Và chắc chắn hệ luỵ từ những trò chơi bạo lực, Internet đen sẽ là khó tránh khỏi.

Hoàng Trình