Thiếu an toàn trong quá trình khai thác
Chúng tôi tới xã Việt Dân, một trong những điểm đang được khai thác đất sét khá lớn ở Đông Triều. Chủ tịch UBND xã Việt Dân, ông Đỗ Đình Thế cho hay: “Hiện trên địa bàn xã có hai đơn vị khai thác đất sét với tổng diện tích 17ha, được quy hoạch và cấp phép khai thác từ năm 2007 đến năm 2020 cho Công ty TNHH Thanh Tuyền và Công ty TNHH Thành Tâm 668. Khi hai đơn vị này vào khai thác đã mua đất của khoảng trên 30 hộ dân với giá trung bình 50 triệu đồng/sào đất trắng, đất có nhà xây dựng giá 120 triệu đồng/sào. Giá cả được thoả thuận giữa công ty và người dân, thuận mua vừa bán nên không xảy ra tranh chấp, kiện cáo trong quá trình giải phóng mặt bằng, dãn dân. Thậm chí theo nhiều người dân tại thôn Đông Ý cho rằng, đất tại khu vực này là đất nông nghiệp lâu năm, có gia đình chưa được cấp sổ đỏ, hiện trạng đất không đảm bảo điều kiện cho thâm canh vì vậy khi bán được cho đơn vị khai thác để mua một mảnh đất ở vị trí khác tốt hơn là một cơ hội cho người dân nơi đây. Thêm nữa, khi các công ty vào khai thác đã xây dựng một con đường riêng phục vụ cho việc vận chuyển đất sét, nên không làm ảnh hưởng tới giao thông cũng như môi trường của người dân trong xã”.
![]() |
Khu vực khai thác sét trái phép trước đây tại xã Yên Thọ đã được cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý, đến nay thành khu nuôi trồng thuỷ sản. |
Theo quan sát của chúng tôi, vấn đề còn tồn tại trong công tác quản lý và khai thác đất sét trên địa bàn là việc đảm bảo an toàn khu vực khai thác. Xung quanh khu vực khai thác đất sét tại thôn Đồng Ý, xã Việt Dân, những khu vực đã khai thác xong, các công ty chuyển thành ao đầm nuôi thuỷ sản, nhưng rất ít các biển báo nguy hiểm, không có rào chắn, mặc dù xung quanh rất nhiều hộ dân sinh sống. Theo phản ánh của trưởng thôn Đồng Ý, ông Nguyễn Hữu Bình thì: “Trước đây, Công ty còn không hề cắm các biển báo nguy hiểm lại không có rào chắn nên đã có cháu thiếu niên do mải chơi đã ngã xuống hố khu vực sau khai thác và chết đuối. Sau khi xảy ra tai nạn này, Công ty đã bồi thường cho gia đình nạn nhân 50 triệu đồng và cắm các biển báo nguy hiểm tại các khu vực đã khai thác”.
Theo bà Bùi Thị Hoa, Bí thư Chi bộ thôn Đồng Ý, trước đây khi khai thác, Công ty đã không chừa độ soải mặc dù các hộ dân có đề nghị Công ty khai thác cần cách 2m với diện tích của dân để đảm bảo an toàn nhưng đơn vị không thực hiện dẫn đến lối đi vào ngõ hai hộ gia đình ông Nguyễn Hữu Hiển và ông Nguyễn Văn Từ bị sạt lở, còn 2m đất của gia đình bà Hoa cũng bị sạt xuống. Gia đình bà Hoa đã có ý kiến đề nghị Công ty giải quyết, sau đó Công ty mới bồi thường cho gia đình bà Hoa 10 triệu đồng để kè lại phần đất bị sạt lở”.
Sau vụ việc xảy ra tai nạn chết người, xã đã nhắc nhở Công ty cắm các biển báo đề phòng nguy hiểm tại các hố, đầm đã khai thác; đồng thời nhắc nhở người dân hạn chế đến gần khu vực khai thác, không đi tắt ra ruộng bằng đường thuộc khu vực khai thác của Công ty... Tuy nhiên, qua thực trạng trên cho thấy, mặc dù các công ty được chính quyền cho phép khai thác trên phần đất được quy hoạch nhưng các vấn đề đảm bảo tính an toàn cho khu vực khai thác vẫn chưa được quản lý chặt chẽ dẫn đến những hậu quả khó lường.
Quản lý của nhà nước, cần chặt chẽ nhiều mặt
Thời gian qua, công tác quản lý tài nguyên trên địa bàn huyện Đông Triều luôn được chỉ đạo chặt chẽ, đoàn công tác liên ngành của huyện tăng cường phối hợp với các đơn vị ngành Than và và các xã, thị trấn đã tổ chức kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời nhiều đối tượng có hành vi đào bới, thăm dò, khai thác than, cát, sét trái phép. Qua trao đổi với chúng tôi, ông Vương Văn Thống, Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Triều cho biết: “Trước đây tình trạng vi phạm trong khai thác diễn ra nghiêm trọng, làm thất thoát nguồn tài nguyên quý, đặc biệt việc người dân lợi dụng việc hạ thấp vườn đồi, thực hiện dự án đào ao nuôi trồng thuỷ sản tận thu sét trái phép ở một số xã như Tràng An, Yên Thọ, Hoàng Quế… Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, UBND huyện đã chỉ đạo các xã quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất để lợi dụng việc khai thác trái phép, đến nay tình hình khai thác sét trái phép không còn diễn ra”.
Tuy nhiên, với thực tế ở trên, thiết nghĩ ngành chức năng của huyện Đông Triều cần nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương đối với việc quản lý tài nguyên khoáng sản. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản hơn nữa, nhất là trong việc kiểm tra, xử lý những đơn vị không chấp hành các quy định về an toàn, đảm bảo quy trình trong quá trình khai thác tài nguyên. Đặc biệt, địa phương cũng cần có biện pháp di dời những hộ dân nằm trong quy hoạch khai thác sét để họ yên tâm sản xuất cũng như đảm bảo công tác quản lý nhân sự của các xã.
Thu Trang