Thứ sáu, 02/05/2025, 23:58 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Quản lý tài nguyên than: Uông Bí quyết không để trở thành điểm nóng

Có thể nói với những đặc thù riêng biệt, công tác quản lý tài nguyên than trên địa bàn TP Uông Bí gặp không ít khó khăn. Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua các đơn vị chức năng và các doanh nghiệp ngành Than trên địa bàn thành phố đã có nhiều hoạt động nhằm tăng cường công tác quản lý tài nguyên than. Để làm rõ hơn những khó khăn, nỗ lực của TP Uông Bí trong công tác quản lý tài nguyên than, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện ông Nguyễn Đình Trung, Phó Chủ tịch UBND TP Uông Bí.

- Xin ông cho biết thực trạng quản lý tài nguyên than trên địa bàn thành phố hiện nay?

Ông Nguyễn Đình Trung, Phó Chủ tịch UBND TP Uông Bí.
Ông Nguyễn Đình Trung, Phó Chủ tịch UBND TP Uông Bí.

+ Nói về quản lý tài nguyên than thì phần phức tạp nhất là ngoài ranh giới mỏ, khu vực các doanh nghiệp có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên song không được khai thác; còn phần trong ranh giới mỏ tức doanh nghiệp được phép khai thác thì lại rất ổn định. Hiện Uông Bí đang có 6 đơn vị hoạt động khai thác than trên địa bàn là Nam Mẫu, Vàng Danh, Vietmindo, Đồng Vông, Hồng Thái và Xí nghiệp Than Uông Bí. Cả 6 đơn vị trên đều có cái thuận là đã được Bộ Tài nguyên - Môi trường cấp giấy phép khai thác khoáng sản, có hồ sơ thiết kế, hồ sơ xin thuê đất, được xác định ranh giới quản lý tài nguyên và đã bàn giao mốc giới. Bởi vậy việc xác định quyền lợi và trách nhiệm của doanh nghiệp, chính quyền địa phương trong việc quản lý tài nguyên thuộc ranh giới của mình rất rõ ràng, cụ thể. Đây là cơ sở, hành lang quan trọng để địa phương cũng như doanh nghiệp tăng cường hiệu quả quản lý tài nguyên. Đến thời điểm này mà nói thì than Vàng Danh, Nam Mẫu là 2 đơn vị hầu như không để xảy ra tình trạng bị đào bới, trộm cắp than trong phạm vi quản lý. Các đơn vị Đồng Vông, Xí nghiệp Than Uông Bí công tác quản lý khó khăn hơn nên vẫn để xảy ra một số vụ nhỏ lẻ. Riêng Vietmindo thì phức tạp hơn, vẫn có một số người dân sống gần ranh giới lén lút vào tận khai trường, bãi thải để nhặt than.

- Nói như vậy thì công tác quản lý tài nguyên than của TP Uông Bí cũng có những cái khó riêng?

Còn nhớ thời điểm này 2 năm trước, tại khu vực ranh giới mỏ của Công ty PT Vietmindo đã xảy ra tình trạng người dân tự ý lập hàng trăm lán trại để nhặt, thu gom than trái phép, dẫn đến mất trật tự và an toàn xã hội. Vụ việc này đã được TP Uông Bí nhanh chóng xử lý dứt điểm, song qua đó cho thấy việc quản lý tài nguyên than tại các doanh nghiệp ngành Than trên địa bàn Uông Bí luôn tiềm ẩn những diễn biến và nguy cơ phức tạp.

+ Đương nhiên là như vậy. Tôi chỉ nói về địa hình, diện tích quản lý tài nguyên than cũng như loại hình sản xuất than ở mỗi đơn vị doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thì mỗi đơn vị mỗi khác và rất khó khăn. Đơn cử như Vietmindo là đơn vị khai thác than lộ thiên, tuy không xảy ra tình trạng đào bới, thăm dò than trái phép song lại dễ dẫn tới việc người dân nhặt, mót than, ăn cắp than, làm lộn xộn, mất trật tự ngay tại khai trường khai thác và bãi thải của đơn vị. Ngoài ra đơn vị này là doanh nghiệp nước ngoài hoạt động theo mô hình liên doanh song thực chất lại gần như độc lập, việc chỉ đạo cũng như đầu tư nhân vật lực cho công tác quản lý tài nguyên của đội ngũ lãnh đạo công ty cũng chưa thực sự tương xứng, nếu không muốn nói và còn thiếu và yếu. Còn đối với Đồng Vông và Xí nghiệp Than Uông Bí thì ranh giới quản lý tài nguyên than quá rộng và trải dài, không tập trung, trong đó nhiều diện tích nằm xen kẽ trong khu dân cư, lẫn vào đất vườn, đất lâm nghiệp của người dân. Như vậy đương nhiên trên một mảnh đất chịu quản lý của nhiều đơn vị chức năng nhưng thẩm quyền của mỗi đơn vị lại chỉ ở những “ô” nhất định, từ đó khó có thể xử lý kịp thời và triệt để khi sự việc xảy ra

- Trước những cái khó này thì TP Uông Bí đã có giải pháp tăng cường hiệu quả công tác quản lý tài nguyên than như thế nào?

+ Phải nói là trong những năm gần đây, đối với TP Uông Bí công tác quản lý tài nguyên nói chung, tài nguyên than nói riêng luôn được quan tâm, chú trọng cao nhất. Trên cơ sở những hướng dẫn, chỉ đạo của tỉnh, thành phố thường xuyên chỉ đạo các xã, phường, ngành chức năng, cơ sở doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh than tăng cường quản lý trong tất cả các hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển, kinh doanh than. Trong đó phát huy cao độ trách nhiệm của lực lượng chức năng trực thuộc. Với lực lượng này, nếu có thông tin về sự việc đào bới, thăm dò, vận chuyển, kinh doanh than trái phép thì bất kể ngày hay đêm đều tiếp cận, điều tra, xử lý ngay. Để tăng cường trong công tác này, thành phố còn thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, các chốt canh gác mà nòng cốt là lực lượng công an để tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm liên quan. Ngoài ra thì TP Uông Bí duy trì rất hiệu quả công tác phối hợp chặt chẽ giữa hệ thống chính quyền và doanh nghiệp trong việc bảo vệ, quản lý tài nguyên than. Chính nhờ sự nỗ lực này mà công tác quản lý tài nguyên than của Uông Bí đang tốt dần lên. Thực tế đã có thời kỳ một số doanh nghiệp than để xảy ra tình trạng lộn xộn, tiêu biểu như ở khu vực bãi thải Vietmindo. Thế nhưng với quyết tâm cao độ, chỉ sau vài đợt ra quân chúng tôi đã dẹp yên và duy trì khá tốt đến thời điểm này. Từ đầu năm đến nay, công tác tuần tra, kiểm soát các hoạt động liên quan đến tài nguyên than của TP Uông Bí rất hiệu quả, tội phạm liên quan đến lĩnh vực này giảm hẳn.

- Ông đánh giá thế nào về vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh than trên địa bàn trong việc bảo vệ, quản lý tài nguyên than?

+ Như đã nói ở trên, từ nhiều năm nay TP Uông Bí đều tổ chức ký cam kết phối hợp với các doanh nghiệp than trên địa bàn để quản lý tài nguyên than. Đáng mừng là hoạt động này không phải mang tính hình thức mà rất thực chất, hiệu quả. Hiện doanh nghiệp nào cũng có lực lượng chuyên nghiệp đảm nhiệm hoạt động này. Đối với từng sự việc cụ thể doanh nghiệp  nắm bắt tình hình, cung cấp phương tiện, vật liệu nổ… để phối hợp tiến hành triệt phá, xử lý. Ngoài ra hàng năm doanh nghiệp dành một phần kinh phí hỗ trợ các đơn vị chức năng triển khai các hoạt động trên.

- Như ông đã nói, công tác quản lý tài nguyên than vẫn luôn tiềm ẩn phức tạp và các hoạt động vi phạm về lĩnh vực này không chỉ làm thất thoát nguồn tài nguyên quý mà còn gây ảnh hưởng xấu đến trật tự xã hội. Vậy trong thời gian tới TP Uông Bí sẽ triển khai những giải pháp gì để tăng cường hiệu quả trong quản lý tài nguyên than trên địa bàn?

+ Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả các giải pháp đã thực hiện trong thời gian qua. Trong đó đặc biệt chú trọng công tác tuần tra, kiểm soát các hoạt động liên quan đến sản xuất, vận chuyển, kinh doanh than trái phép; đồng thời phát động quần chúng nhân dân tố giác các đối tượng thăm dò, đào bới, mở cửa lò, lợi dụng triển khai các dự án để khai thác than. Chúng tôi cũng tăng cường khen thưởng kịp thời bằng vật chất và tinh thần đối với tổ chức, cá nhân tích cực quản lý, bảo vệ tài nguyên than. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ bằng nhiều biện pháp phát huy hơn nữa vai trò của doanh nghiệp trong lĩnh vực này, nhất là một số doanh nghiệp thời gian qua còn chưa thực sự cố gắng.

- Xin cảm ơn ông!

Việt Hoa (Thực hiện)

Tiếng nói người trong cuộc

* Ông Phạm Văn Nhã, Đội trưởng Đội cảnh sát Kinh tế, Công an TP Uông Bí:

Lâu nay Công an TP Uông Bí luôn hỗ trợ đắc lực và hiệu quả nhất cho thành phố cũng như các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh than trên địa bàn trong việc bảo vệ, quản lý tài nguyên than. Kết quả này là sự nỗ lực của nhiều đơn vị trong đó có chúng tôi. Bởi so với nhiều địa phương khác, Uông Bí có những cái khó riêng, nhiều khu vực chỉ sạt lở sau mưa cũng ra than dẫn đến nhiều đối tượng nhòm ngó, khai thác trộm.

Bên cạnh đó thì địa bàn có một đơn vị doanh nghiệp nước ngoài tham gia sản xuất than với phương thức hoạt động còn một số khâu hạn chế, như lượng than lẫn trong các khâu bốc xúc đổ ra bãi thải lớn. Điều này cũng dẫn tới việc nhiều người dân đến nhặt nhạnh than, gây ra mất an ninh trật tự.

Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo của thành phố rất sát, sự phối hợp của các đơn vị chức năng cũng như doanh nghiệp với chúng tôi chặt chẽ, đến nay tình hình quản lý tài nguyên than cả trong và ngoài ranh giới mỏ, ranh giới quản lý tài nguyên của các doanh nghiệp trên địa bàn đều tương đối yên ổn. Không còn những vụ lộn xộn phức tạp liên quan đến than diễn ra, hoặc nếu có thì cũng chỉ là các vụ việc nhỏ lẻ, manh mún và đều bị chúng tôi phát hiện, xử lý ngay. Chúng tôi luôn sẵn sàng vào cuộc bảo vệ tài nguyên than của nhà nước với trách nhiệm cao nhất.

* Ông Nguyễn Thái Bình, Bí thư Đảng uỷ phường Vàng Danh:

Phải nói rằng việc quản lý tài nguyên than hiện nay tương đối phức tạp và khó khăn. Việc quản lý tốt tài nguyên than căn bản phải từ doanh nghiệp, sau đó là sự phối hợp của địa phương trong tăng cường kiểm tra, xử lý, ngăn chặn ngay từ ban đầu. Ngay như trên địa bàn phường Vàng Danh vốn có 2 đơn vị doanh nghiệp than đứng chân là Vàng Danh và Vietmindo thì Vàng Danh làm rất tốt, trong khi Vietmindo lại quản lý kém. Nguyên nhân là do Vàng Danh có sự đầu tư tốt còn Vietmindo nói thật là vẫn còn chưa hết sức mình. Bởi vậy tôi cho rằng với những cái khó riêng như vậy thì bên cạnh sự vận động tuyên truyền thì biện pháp hiệu quả nhất vẫn là phát huy vai trò của doanh nghiệp, đồng thời địa phương phối hợp tăng cường tuần tra, xử lý và các biện pháp này phải được thực hiện một cách quyết liệt và triệt để nhất.

* Ông Nguyễn Văn Ngoan, khu Bí Thượng, phường Phương Đông:

Tôi cho rằng sẽ không ai có thể bảo vệ, quản lý tài nguyên, trong đó có tài nguyên than tốt hơn người dân sinh sống trên địa bàn. Nếu người dân có nhận thức tốt, có ý thức chấp hành pháp luật, tự giác thì các đơn vị chức năng dù không cần phải tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý thì nguồn tài nguyên than vẫn sẽ được giữ gìn. Còn ngược lại người dân vì lợi ích trước mắt, không có trách nhiệm bảo vệ thì bất chấp những quy định, trách nhiệm, thậm chí có thể bị xử lý nghiêm khắc bởi pháp luật thì bằng cách này hay cách khác họ vẫn tiến hành thăm dò, khai thác, vận chuyển, kinh doanh than trái phép.