Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Quảng Ninh đã vận dụng sáng tạo trên tinh thần phát triển tối đa hoá lợi ích kinh tế và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng biển đảo... Theo đó, tất cả các dự án đầu tư trên địa bàn bằng nhiều nguồn vốn đã thúc đẩy nhanh hơn quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Hiện hệ thống đường trên các xã đảo của tỉnh, bao gồm đường nhựa và bê tông, một số đường liên thôn, xóm đã được đầu tư nâng cấp; một số tuyến đường mang tính chiến lược, như tuyến đường đảo Cô Tô, đường cơ động vụng Hồng Vàn, đường các đảo Ngọc Vừng, Vĩnh Thực... được đầu tư kiên cố.
![]() |
Thi công đường bê tông kiên cố trên xã đảo Bản Sen, Vân Đồn. |
Những năm gần đây, tỉnh đã tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật để chú trọng phát triển kinh tế biển, nhất là ngành du lịch biển và thuỷ sản. Hiện hệ thống cảng biển được đầu tư đã góp phần tăng cường khả năng lưu thông hàng hoá và dịch vụ cảng, cũng như đáp ứng nhu cầu giao thông giữa các tuyến đảo với đất liền và các nước trong khu vực... Trên địa bàn tỉnh đã và đang hình thành hệ thống cảng biển quy mô quốc gia và khu vực Đông Nam Á, như Khu dịch vụ cảng biển Hải Hà (tương lai nằm trong khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái - Hải Hà), cảng nước sâu Cái Lân, cảng Cửa Ông...
Việc triển khai phát triển cảng biển và mở rộng các loại hình dịch vụ sau cảng đòi hỏi phải có hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ kết nối các yếu tố phát triển liên quan đến kinh tế biển, như: Đường giao thông huyết mạch kết nối các vùng kinh tế; đường bộ và đường sắt vào các cảng… Để phát huy lợi thế của biển, tỉnh đã chủ trương hướng vào khai thác các lĩnh vực có thế mạnh làm động lực thúc đẩy các vùng trong tỉnh phát triển, đồng thời tạo ra một khu vực mở cửa, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, mở rộng giao lưu phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường hợp tác đấu tranh giữ vững an ninh, quốc phòng và khả năng bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển đảo.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng huy động mọi nguồn lực để phát triển đồng bộ các khu kinh tế, KCN ven biển, như khu kinh tế Vân Đồn, các KCN Hải Hà, Đầm Nhà Mạc, Việt Hưng, Hải Yên… Ở đây đã và đang triển khai thực hiện một số các quy hoạch phân khu chức năng và quy hoạch chi tiết để kêu gọi đầu tư và thực hiện. Đồng thời với việc triển khai thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng thuộc khu kinh tế Vân Đồn là việc tăng cường các hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư đối với một số dự án quan trọng, như: Sân bay Vân Đồn, cầu Vân Tiên, cảng, hệ thống đường huyết mạch và các dự án vui chơi, nghỉ dưỡng, nuôi trồng, khai thác thuỷ sản... Đến nay tỉnh đã hình thành 4 KCN tập trung với tổng diện tích hơn 922ha; 9 cụm công nghiệp cấp huyện phân bố khá hài hoà từ Đông Triều, Uông Bí, Yên Hưng đến Hải Hà, Móng Cái, với tổng diện tích 215ha, trong đó có 3 cụm công nghiệp diện tích thuê đất đã đạt 80%... Ngành du lịch biển đang hướng tới mục tiêu đến năm 2020 đón từ 8-10 triệu lượt khách, doanh thu đạt 5-6 nghìn tỷ đồng. Một số các sản phẩm du lịch mới đã được các Công ty liên doanh quốc tế Hoàng Gia, khu du lịch Quốc tế Tuần Châu, Vân Đồn, Móng Cái... đưa vào xây dựng và khai thác hiệu quả. Đi đôi với các hoạt động đầu tư kết cấu hạ tầng của tỉnh và của các đơn vị liên doanh, các thành phần kinh tế cũng tập trung đầu tư khai thác tiềm năng du lịch trên địa bàn, làm tăng sức thu hút du khách.
Thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các chính sách về ưu đãi, khuyến khích phát triển kinh tế biển, nhiều năm qua tỉnh đã tạo điều kiện cho các đơn vị, cá nhân vay vốn phát triển kinh tế ở dọc tuyến biển và các huyện đảo… Đến nay, nhiều dự án đã phát huy hiệu quả cao sau đầu tư. Việc tập trung nguồn lực đầu tư đã từng bước phát huy tối đa lợi thế kinh tế biển, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh. Đời sống ngư dân và những người dân sống ven biển được cải thiện rõ rệt.
Thanh Phong