Thứ 5, 01/05/2025, 2:17 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Sức vươn Ngọc Vừng

Ngay khi tàu cập cầu cảng Cống Yên (Ngọc Vừng, Vân Đồn), chúng tôi được chứng kiến cảnh mua, bán sôi động trên bến, dưới thuyền, gợi nhớ về hình ảnh thương cảng Vân Đồn thời xưa. Trên con đường bê tông dẫn vào trung tâm xã, những chiếc xe lam chở người và hàng hoá ra, vào đảo tấp nập. Hệ thống trường mầm non, trường học, trạm xá, điểm bưu điện văn hoá xã đã và đang được xây dựng... Ngọc Vừng đang tiến bước vững chắc cùng đất liền.

Đường bê tông, cầu cảng tại xã Ngọc Vừng (Vân Đồn) được đầu tư hoàn thiện, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Đường bê tông, cầu cảng tại xã Ngọc Vừng (Vân Đồn) được đầu tư hoàn thiện, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Xã đảo có vùng biển rộng, bãi triều đa dạng, thuận lợi cho phát triển nghề đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản. Tiềm năng kinh tế lâm nghiệp, du lịch với những cánh rừng nguyên sinh, rừng phi lao trải dài ôm lấy bãi biển với những bờ cát trắng mịn màng. Vậy mà, hơn chục năm về trước, Ngọc Vừng còn hoang vu, người thưa thớt, hạ tầng chưa được đầu tư, đời sống của người dân còn khó khăn; trẻ em hầu hết chỉ đi học đủ biết đọc, biết viết, rồi ở nhà đi biển, lên rừng kiếm sống phụ giúp với gia đình. Vài năm nay, được sự quan tâm, đầu tư của cấp trên cùng với phát huy nội lực, trên cơ sở đánh giá đầy đủ các tiềm năng, lợi thế, những khó khăn, tồn tại, xã đã xây dựng nhiều nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động nhằm khai thác bền vững các thế mạnh để vươn lên.

Chủ đề chính của Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2013 (từ ngày 1 đến 8-6) được Bộ TN&MT lựa chọn là “Chung tay hành động vì biển đảo quê hương” theo tinh thần chủ đề Ngày Đại dương thế giới năm 2013-2014. Trong đó, chủ đề tuyên truyền của Tuần lễ là “Khai thác đi đôi với bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, hải đảo”.

Đặc biệt từ 5 năm trở lại đây, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khoá X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, xã đã có nhiều biện pháp mang tính “đột phá” với cơ cấu kinh tế chính là đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thuỷ sản - dịch vụ du lịch - nông, lâm nghiệp. Mặc dù diện tích đất nông nghiệp của xã không nhiều, nhưng có vai trò quan trọng để đảm bảo an ninh lương thực trên đảo, vì thế xã đã khuyến khích nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ theo hướng sản xuất hàng hoá, chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi cá nước ngọt, trồng rau màu... Để phát triển tốt nông nghiệp, xã phối hợp với các ngành chức năng của huyện đầu tư hoàn thiện hệ thống cung cấp nước tưới tiêu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ một phần vốn, giống để nông dân tăng hệ số sử dụng đất, nâng cao thu nhập. Nhờ đó, đến nay, xã có hàng chục ha đất nông nghiệp có thể canh tác được 2 vụ lúa, năng suất bình quân trên 40 tạ/ha/năm. Nhiều hộ dân đã mở rộng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp, tận dụng đất rừng để trồng cây lấy gỗ và chăn nuôi gia súc...

Phát triển ngành kinh tế “mũi nhọn” - ngư nghiệp, xã đã có các nghị quyết chuyên đề. Xã tham mưu với cấp trên đẩy nhanh tiến độ giao diện tích mặt nước cho ngư dân mở rộng nuôi cá lồng bè; hỗ trợ vốn để đóng mới, sửa chữa phương tiện đánh bắt thuỷ hải sản, kết hợp với làm dịch vụ trên biển. Khu vực bãi triều, rừng ngập mặn có nhiều loài hải sản quý sinh sản, được quản lý, bảo vệ tốt, đảm bảo giữ gìn môi trường biển, tránh được nguy cơ khai thác tận diệt. Công tác tuyên truyền đến người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của bảo vệ rừng ngập mặn, bảo vệ môi trường biển được thực hiện thường xuyên. Đến nay, bình quân mỗi năm, xã đánh bắt, nuôi trồng trên 1.000 tấn hải sản, doanh thu hàng tỷ đồng. Hiện xã đang vận động người dân tận dụng mặt nước, bãi triều để đầu tư vào nuôi trồng ốc, tu hài, hàu, cá lồng bè..., vừa tăng thu nhập, vừa tạo việc làm cho lao động trên địa bàn. Đã có nhiều hộ nuôi trồng hải sản cho thu nhập từ 50-70 triệu đồng/năm.

Kinh tế dịch vụ - du lịch là một trong những lĩnh vực làm giàu của người dân địa phương. Để phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh này, xã tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, phối hợp quy hoạch, quản lý quy hoạch về đất đai, tài nguyên trên địa bàn. Xã đẩy mạnh công tác giao đất, giao rừng cho nhân dân để quản lý, bảo vệ rừng nguyên sinh, rừng trồng, tạo tiền đề quan trọng phát triển du lịch sinh thái. Xã còn phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện rà soát, đề xuất các giải pháp nhằm thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư phát triển du lịch...

Nhờ biết tranh thủ các nguồn vốn đầu tư, phát huy tốt nội lực, xã đang từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững. Nhiều hộ dân trên đảo đã vay vốn mạnh dạn đầu tư nuôi nhuyễn thể, cá lồng bè, mở rộng quy mô đánh bắt thuỷ sản... vươn lên làm giàu. Kinh tế du lịch từng bước có bước phát triển. Hiện có nhiều doanh nghiệp đến tìm cơ hội đầu tư ở lĩnh vực này. Ngọc Vừng đang có sự bứt phá vươn lên mạnh mẽ để trở thành hòn ngọc sáng trên vùng biển, đảo Đông Bắc của Tổ quốc.

Quang Minh