Những truyền thống tốt đẹp
Đến bây giờ, nhiều người dân ở xã Phương Nam (Uông Bí) và Đông Ngũ (Tiên Yên) vẫn còn nhớ hình ảnh những cán bộ y tế của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đến gia đình mình để hướng dẫn cách tự chăm sóc sức khoẻ, xử lý rác thải, cách giữ gìn vệ sinh trong sinh hoạt hàng ngày. Với phương châm: “Bệnh viện không tường”, từ những năm 1990, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã cử cán bộ đến các xã ven biển, xã miền núi của Quảng Ninh để hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ cho người dân.
![]() |
Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí chuyển giao kỹ thuật siêu âm tim cho Bệnh viện Đa khoa huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. |
Không chỉ trực tiếp hỗ trợ giúp người dân chủ động phòng chống dịch bệnh, những năm đó, Bệnh viện còn giúp nhiều đơn vị y tế tuyến trước đào tạo nhân lực theo hình thức “2 lên, 1 xuống”. Nghĩa là cứ 2 tháng cán bộ nhân viên y tế tuyến huyện về Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí học, 1 tháng bác sĩ, điều dưỡng có kinh nghiệm của Bệnh viện xuống tuyến dưới cùng làm việc, hướng dẫn trực tiếp các ca phẫu thuật khó. Bác sĩ Đoàn Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết: “Không chỉ hỗ trợ về kỹ thuật, những năm đó, Bệnh viện chúng tôi còn tranh thủ nguồn viện trợ của các tổ chức để hỗ trợ trang thiết bị xét nghiệm cho một số bệnh viện tuyến huyện”.
Đến những chuyển giao công nghệ, kỹ thuật
Từ năm 2005, bộ phận đào tạo của Bệnh viện tách khỏi phòng kế hoạch tổng hợp thành lập phòng Chỉ đạo tuyến - nghiên cứu khoa học và đào tạo. Năm 2010, Bộ Y tế ký Quyết định thành lập Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến. Hoạt động hỗ trợ đào tạo, nâng cao trình độ nhân lực cho các đơn vị tuyến trước càng được bệnh viện đẩy mạnh. Tính từ năm 2007 đến nay, đơn vị đã đào tạo chuyển giao kỹ thuật tại bệnh viện và chuyển giao kỹ thuật tại chỗ cho khoảng 740 cán bộ y tế của các đơn vị tuyến trước thuộc các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hoà Bình… Học viên được học theo hình thức kèm cặp, cầm tay chỉ việc nên tiếp thu kỹ thuật nhanh hơn. Các kỹ thuật được chuyển giao đa dạng, phong phú, phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tế tại các đơn vị. Những kỹ thuật đơn giản, dễ thực hiện được Bệnh viện chuyển giao rộng rãi, như: chăm sóc trẻ sơ sinh bằng phương pháp bà mẹ Cangaroo, mô hình chăm sóc toàn diện theo đội… đến những kỹ thuật cao cũng được Bệnh viện chuyển giao cho tuyến trước, như: phẫu thuật nội soi, nội soi chẩn đoán, nội soi đường tiêu hoá có can thiệp, siêu âm tim, lọc máu liên tục v.v.. Ngoài đào tạo tại Bệnh viện, thực hiện đề án 1816 của Bộ Y tế, Bệnh viện còn cử cán bộ đến hỗ trợ cho 12 đơn vị y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện thuộc các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương để hỗ trợ chuyên môn. Từ năm 2008 đến nay, Bệnh viện đã hoàn thành chuyển giao hơn 90 lượt kỹ thuật cho tuyến trước; trực tiếp khám, chữa, chăm sóc gần 9.000 bệnh nhân; thực hiện trên 300 ca phẫu thuật, thủ thuật; hơn 900 ca siêu âm, nội soi…
Bên cạnh việc hỗ trợ tuyến trước phát triển kỹ thuật, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí còn là nơi đào tạo sinh viên trong và ngoài nước, được Bộ Y tế cấp mã đào tạo liên tục cho cán bộ y tế. Mỗi năm, Bệnh viện tiếp nhận, hướng dẫn học tập cho 50 - 60 sinh viên đến từ Thụy Điển, Hàn Quốc. Năm 2012, Bệnh viện hỗ trợ các trường đại học trong nước đào tạo 99 sinh viên y khoa, hơn 2.300 lượt y sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên và 10 lớp đào tạo liên tục, đào tạo theo đề án 47, 930 của Chính phủ. Ngoài ra, đơn vị còn đón hàng trăm đoàn đến tham quan, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý, chăm sóc người bệnh.
Với những hoạt động chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã góp phần nâng cao năng lực khám, chữa bệnh cho các bệnh viện tuyến trước, từ đó giảm tải bệnh nhân ở các tuyến trung ương và đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân của Quảng Ninh nói riêng, vùng Đông bắc Bộ nói chung.
Cầm Khuê