Thứ tư, 30/04/2025, 6:10 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Tập trung mạnh cho vùng dân tộc thiểu số

21 dân tộc thiểu số ở Quảng Ninh chỉ chiếm 12,52% dân số nhưng lại sinh sống trên 81,3% diện tích tự nhiên của tỉnh, có vị trí chiến lược trọng yếu về quốc phòng - an ninh, biên giới quốc gia. Xác định vai trò quan trọng của công tác dân tộc, tiếp tục đẩy mạnh sự quan tâm cho vùng dân tộc thiểu số, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết số 07 ngày 29-5-2013 “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân tộc trong sự nghiệp phát triển KT-XH nhanh, bền vững gắn với bảo vệ vững chắc quốc phòng - an ninh đến năm 2020, định hướng đến 2030”.



Bức tranh sáng, tối

Những năm qua, bức tranh kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi, biên giới, biển đảo của tỉnh đã có nhiều khởi sắc. Đó là do nhiều chương trình, dự án đầu tư cho phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng cũng như chính sách an sinh xã hội ở các vùng đã đem lại hiệu quả không nhỏ, tạo diện mạo mới cho đời sống bà con. Theo đó, đến nay 100% số xã, phường, thị trấn vùng dân tộc có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; 98% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; trên 86% hộ dân xã nghèo được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 84% số xã có chợ hoặc chợ trung tâm cụm xã. Kết quả chống mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, THCS được giữ vững, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Qua đó, nhiều nét văn hoá và phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp được khơi dậy, phát huy giá trị...

Cầu treo nối liền QL18C vào thôn Nà Cà, xã Phong Dụ (huyện Tiên Yên), được khánh thành vào đầu năm 2013, đem lại niềm vui về giao thông cho đồng bào dân tộc nơi đây.  Ảnh: Công Thành
Cầu treo nối liền QL18C vào thôn Nà Cà, xã Phong Dụ (huyện Tiên Yên), được khánh thành vào đầu năm 2013, đem lại niềm vui về giao thông cho đồng bào dân tộc nơi đây. Ảnh: Công Thành

Dù vậy, những kết quả này vẫn chưa tạo được sự đột phá thực sự cho vùng dân tộc. Thực tế, khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển giữa vùng dân tộc miền núi và đô thị còn khá lớn; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo các xã vùng khó khăn còn cao (năm 2012 là 26,89%), kết quả giảm nghèo chưa bền vững. Quy mô sản xuất của bà con ở các vùng dân tộc còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành được các vùng sản xuất hàng hoá tập trung. Chất lượng giáo dục, y tế còn hạn chế; bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của một số dân tộc bị mai một trong khi một số hủ tục vẫn còn tồn tại. Kết quả huy động và sử dụng các nguồn lực đầu tư chưa tương xứng với nhu cầu thực tế. Công tác di dân, định canh, định cư ở biên giới còn nhiều bất cập, đời sống dân cư còn gặp nhiều khó khăn. Tệ nạn xã hội, trật tự an ninh vùng biên còn diễn biến phức tạp…

Những điều này xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, nhận thức về công tác dân tộc thực tế còn chưa đầy đủ; trình độ năng lực của một bộ phận cán bộ cơ sở và nhận thức của phần lớn đồng bào các dân tộc nhìn chung còn thấp. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thiếu ý chí vươn lên thoát nghèo của một bộ phận không nhỏ đồng bào ở vùng dân tộc, miền núi, trong đó có cả một số cán bộ ở cơ sở còn nặng nề. Việc phát huy vai trò người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số có lúc, có nơi còn chưa tốt. Chính sách di dân đến các vùng dự án thiếu đồng bộ, còn nặng tính bao cấp, chưa thực sự phát huy nội lực từ địa phương và người dân... Bên cạnh đó, thực tế các vùng dân tộc, miền núi có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên không thuận lợi, dân cư sống phân tán, đất canh tác manh mún, bạc màu, địa hình hiểm trở...

Mục tiêu mới

Quảng Ninh có tới 112 xã/186 xã, phường, thị trấn là xã miền núi, vùng cao, biên giới, hải đảo; trong đó, 54 xã khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo bình quân 34,79% và tỷ lệ hộ cận nghèo bình quân 11,98% (số liệu thống kê năm 2011). 21/54 xã này thuộc diện xã đặc biệt khó khăn, được đầu tư theo Chương trình 135 giai đoạn III (2011-2015). Tuy vậy, mục tiêu của Nghị quyết 07 nêu trên đặt ra khá mạnh bạo. Chỉ tính ở mục tiêu gần nhất là hết năm 2015, cơ bản các xã sẽ ra khỏi diện xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; 20/54 xã khó khăn đạt tiêu chí xã nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người vùng miền núi, dân tộc gấp 2 lần so với năm 2010; bình quân tỷ lệ hộ nghèo các xã khu vực II (xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhưng đã tạm thời ổn định) dưới 15%; có 80% số gia đình, 65% số thôn, bản thuộc khu vực miền núi, biên giới đạt chuẩn văn hoá; 100% số xã duy trì và nâng cao chất lượng đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và THCS; 100% xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế; 100% xã có đài truyền thanh, thôn bản có các điểm kết nối internet, hầu hết các hộ gia đình xem được Đài THVN và Đài Truyền hình tỉnh; 90% cán bộ, công chức cấp xã trở lên đạt chuẩn…

Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh sẽ huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phát huy ngay hiệu quả. Trong đó, ưu tiên phát triển hạ tầng các xã, thôn đặc biệt khó khăn, các xã mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, nghiên cứu, bố trí hiệu quả các cụm dân cư tập trung sát biên giới tại 10 xã biên giới Việt - Trung, có cơ chế chính sách đặc thù đối với cư dân sát biên giới. Đầu tư kiên cố hoá giao thông nông thôn; hoàn thiện các dự án đầu tư hệ thống điện lưới quốc gia đến các thôn, bản; đặc biệt là đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô và các xã đảo của Vân Đồn. Đầu tư nâng cấp các công trình thuỷ lợi, hồ chứa nước, đập dâng đã có; xây dựng thêm một số hồ, đập dâng có quy mô vừa và nhỏ phục vụ sản xuất và đời sống. Ngoài các chính sách chung được thụ hưởng đối với các xã khó khăn, xã biên giới, hàng năm tỉnh sẽ dành 30% nguồn vốn thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới để đầu tư phát triển sản xuất và xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu cho các xã và các thôn đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, kinh tế sẽ được đẩy mạnh phát triển theo chiều sâu dựa trên tiềm năng, lợi thế của từng vùng; ứng dụng KHCN, chuyển sản xuất nông nghiệp tự sản, tự tiêu sang sản xuất hàng hoá. Nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động, tỉnh sẽ ưu tiên cho phát triển GD-ĐT, dạy nghề cho đồng bào vùng miền núi, dân tộc, nhất là thanh niên dân tộc thiểu số... Xu hướng phát triển kinh tế gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống các dân tộc cũng được chú trọng. Trong đó, hiện nay đề án “Vận động thanh niên, nhân dân ra đảo Trần sinh sống” đang được xúc tiến; các đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cũng đang tiếp tục được nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thực hiện v.v..

Ngọc Mai