![]() |
Đồng chí Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại cuộc họp |
Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác MTTQ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 định hướng đến năm 2030” là cơ sở cho việc tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận khoa học về công tác MTTQ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc triển khai đề án sẽ góp phần tạo sự hiểu biết, nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ trong hệ thống chính trị của tỉnh; thực hiện các nhóm giải pháp, các phương thức của đề án nâng cao hiệu quả chung trong việc phối hợp tham gia thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh; nâng cao hiệu quả vai trò đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân và việc phát huy dân chủ cơ sở; tăng cường tính đồng thuận trong xã hội…
Tham gia đóng góp ý kiến tại cuộc họp thẩm định, các đại biểu đều khẳng định: đề án đã đánh giá một cách khách quan, trung thực, toàn diện thực trạng khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn tỉnh và kết quả hoạt động của MTTQ tỉnh trong thời gian qua cũng như đề ra được các nhiệm vụ trọng tâm, các nhóm giải pháp phù hợp với yêu cầu công tác mặt trận trong giai đoạn tới. Tuy nhiên bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cho rằng, đề án vẫn còn nhiều vấn đề cần chỉnh sửa, đặc biệt là bố cục, nội dung, tên gọi cũng như các từ ngữ, thuật ngữ trong đề án. Ngoài ra, đề án cũng cần xây dựng được mục tiêu chung phù hợp, đồng thời đề ra được những đột phá để thực hiện…
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định, hoạt động của hệ thống mặt trận tỉnh Quảng Ninh có nhiều nét mới, Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên mặt trận xây dựng được đề án chiến lược, tuy còn một số hạn chế nhất định nhưng đã thể hiện sự cố gắng, nỗ lực cũng như sự chủ động trong việc đổi mới phương thức hoạt động. Đồng chí đề nghị, đề án cần tiếp tục chỉnh sửa nội dung, trong đó tiếp tục quan tâm hơn nữa đến việc tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện theo đường lối, chủ trương của Đảng, đặc biệt tập trung vào những người tiêu biểu, các tầng lớp nhân sĩ, trí thức, tôn giáo và nhất là ở các khu dân cư. Sử dụng tốt cơ chế tư vấn cộng tác viên, quy chế hóa hoạt động tham gia xây dựng đảng của mặt trận và luật hóa mặt trận tham gia xây dựng chính quyền; tiếp tục duy trì, đổi mới việc thực hiện 3 cuộc vận động lớn, là: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “ngày Vì người nghèo và “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã đánh giá cao tính chủ động xây dựng đề án của Ban thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh. Để đề án có tình thuyết phục cao hơn, đồng chí đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh cần tiếp thu các ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu tại cuộc họp, đồng thời bám sát Nghị quyết 23, các luật và các điều lệ liên quan để chỉnh sửa; cần nghiên cứu lại cách diễn đạt, sâu chuỗi các vấn đề cho rõ ràng mạch lạc; tên của đề án cũng cần xem xét, chỉnh sửa lại trên cơ sở phù hợp với thực tiễn của tỉnh và không bị trùng với mặt trận ở các địa phương khác. Quá trình đánh giá về công tác mặt trận chỉ nên tập trung vào thời kỳ đổi mới, đặc biệt là trong 2 nhiệm kỳ gần đây. Nội dung của đề án nên rút ngắn, nhưng vẫn phải rõ ràng, mạch lạc làm sao để thể hiện rõ các mục tiêu, nhiệm vụ, vai trò của mặt trận và phải thể hiện được tổ chức mặt trận là đại diện cho ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Các chương trình phối hợp thống nhất hành động phải nâng cao được vị thế của mặt trận và các tổ chức thành viên; làm rõ vai trò giám sát và phản biện xã hội; nâng cao chất lượng của đội ngũ trực tiếp làm công tác mặt trận và đội ngũ cộng tác viên...
Minh Thu