Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm, Trưởng Ban Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá xã Lý Văn Kim hồ hởi giới thiệu với tôi như vậy. Mặc dù, biết đường đến Pắc Pền sẽ vất vả vì vẫn phải trèo đèo, lội suối, nhưng tôi vẫn muốn đến.
![]() |
Nhà văn hoá thôn Pắc Pền được đầu tư hoàn thiện từ năm 2011, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân. |
Sau chừng mươi phút đi xe máy từ trung tâm xã, tôi cùng đồng chí Sinh, cán bộ Phòng Văn hoá xã dừng xe lại vệ đường. Anh Sinh bảo: “Từ đây chúng ta đi bộ thôi. Mấy hôm trời mưa to quá, đường vào Pắc Pền chưa bê tông hoá hết, chắc chắn sẽ lầy không đi xe được. Xắn quần lên nữa vì sẽ phải lội qua suối đấy”. Hơn 20 phút đi bộ đường đất lầy và lội suối không quá khó khăn như lời nhắc nhở. Băng qua vài tán rừng thưa, thấp thoáng sau rặng cây là nhà văn hoá thôn Pắc Pền tương đối khang trang, rộng rãi, đã có người đứng đợi chúng tôi trước cửa. “Lần đầu tiên có phóng viên đến Pắc Pền, bà con hẳn sẽ mừng lắm đấy. Đây là anh Sái Đức Phú, trưởng thôn”, đồng chí Sinh giới thiệu. Người đàn ông vạm vỡ, nước da đen sạm đón chúng tôi rất nhiệt tình. Sau dăm ba câu chuyện làm quen, trưởng thôn Sái Đức Phú hào hứng khoe: “Nghe xã báo xuống có cán bộ, phóng viên về tìm hiểu phong trào xây dựng gia đình văn hoá, thôn bản văn hoá của thôn, chúng tôi mừng lắm. Vội vàng tập hợp bà con nhưng không được nhiều vì bà con hôm nay đi làm đồng, làm rừng hết. Gần đây nhà nào cũng hăng hái làm kinh tế. Không ai muốn gắn mãi với cái nghèo nữa rồi”.
Pắc Pền là một thôn vùng sâu và còn gặp nhiều khó khăn của xã Đồng Tâm. Thôn chỉ có 12 hộ gia đình với 56 nhân khẩu (trong đó có 32 lao động chính) sinh sống rải rác giữa các thung lũng, lưng chừng đồi và men theo bờ suối. Đường đi đến Pắc Pền còn rất khó khăn, chưa có đường bê tông, chưa có cầu. Người dân sinh sống bằng nghề làm ruộng và làm rừng. Đến tháng 5-2013, thôn vẫn còn 2 hộ thuộc diện nghèo. Tuy còn nhiều khó khăn như vậy nhưng từ khi phong trào xây dựng gia đình văn hoá, thôn bản văn hoá về đến đây, nhận thức về việc chấp hành chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng và sự lãnh đạo của các cấp chính quyền trong bà con nhân dân đã được cải thiện rõ rệt. Nhân dân Pắc Pền đã biết khát khao vươn lên thoát nghèo, làm giàu, tự cải thiện cuộc sống của bản thân.
Nhớ lại khoảng thời gian trước đây, trưởng thôn Sái Đức Phú kể: “Trước đây bà con chỉ biết trông chờ vào một vài mảnh ruộng trồng lúa một vụ và xen canh hoa màu, dong riềng. Đến nghề rừng được xác định là một lợi thế lớn của thôn cũng chỉ dừng lại ở việc thu hoạch, khai khác quế, hồi tự nhiên thôi. Nhưng từ khi chương trình xây dựng nông thôn mới và xây dựng gia đình văn hoá, thôn bản văn hoá về đến đây, bà con đã nỗ lực trong sản xuất nông - lâm nghiệp, phát triển chăn nuôi để tìm hướng thoát nghèo. Giờ bà con đã cấy được hai vụ lúa trong năm rồi, đàn lợn, đàn gà cũng đã nhiều hơn. Các hộ gia đình cũng đã biết tận dụng chủ trương giao đất giao rừng để phát triển sản xuất lâm nghiệp. Ngoài quế, hồi sẵn có được khai thác và giữ gìn, nhân rộng, bà con nhân dân đã mạnh dạn đưa cây keo về trồng trên đất rừng của mình; nhiều loại cây ăn quả như vải, nhãn cũng đã được bà con trồng thử nghiệm, bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế khả quan hơn. Hai năm trở lại đây, thu nhập bình quân đã đạt từ 40 đến 50 triệu đồng/ hộ/năm, gấp 3 đến 4 lần so với 3 năm trước…”.
Cái đáng quý nhất ở Pắc Pền là tình cảm đoàn kết, gắn bó chan hoà của người dân. Mọi người trong gia đình và cộng đồng đều biết đoàn kết, yêu thương, quý mến nhau, sống với nhau bình đẳng và tôn trọng. Mọi người cùng giúp đỡ nhau trong sản xuất kinh tế. Đến vụ lúa, Pắc Pền như một “đại gia đình”, nhà nọ giúp nhà kia, người nọ đỡ người kia, hình ảnh máy cày, máy gặt lúa nay ở ruộng này, mai trên ruộng khác với những nụ cười tươi của bà con nhân dân đã không còn xa lạ ở Pắc Pền. Bên cạnh đó, thời gian qua, hương ước, quy ước của thôn cũng đã được sửa đổi lại cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh mới. Người dân ai ai cũng nghiêm túc, tự giác chấp hành đầy đủ các nội dung của hương ước, quy ước thôn. Công tác giữ gìn ANTT của thôn được đảm bảo tốt, hầu như không xảy ra vụ việc lớn về ANTT trong thôn. Từ năm 2010 đến nay, Pắc Pền đã không còn hộ sinh con thứ 3; 100% trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường; công dân đều thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về các quỹ công ích, ANQP, nghĩa vụ quân sự của mình một cách đầy đủ, nghiêm túc.
Chính từ những bước tiến vượt bậc trên, năm 2012 vừa qua, Pắc Pền đã có 8/12 hộ đạt chuẩn 3 tiêu chí của phong trào xây dựng gia đình văn hoá, thôn bản văn hoá. Thôn được xã tuyên dương về thành tích nỗ lực vươn lên về mọi mặt và đề nghị huyện tặng danh hiệu thôn văn hoá. Pắc Pền thực sự là điểm sáng giữa núi rừng Bình Liêu hôm nay.
Minh Hà