Thứ tư, 30/04/2025, 3:13 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Trần Anh Tuấn: Đề nghị "cách chức GĐ Sở Hải Phòng của Bộ trưởng GTVT" là hết sức bình thường

Tuyên bố gây bàn luận của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng về việc đề nghị Hải Phòng cách chức Giám đốc Sở GTVT Đàm Xuân Lũy, cho thấy vấn đề về công tác nhân sự, mà cụ thể ở đây là vai trò, trách nhiệm của bộ trưởng - tư lệnh một ngành - với giám đốc sở ngành ấy, thuộc địa phương?

>>Nhìn từ chuyện Bộ trưởng muốn cách chức Giám đốc Sở

Về vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi nhanh với Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn.

Thưa Thứ trưởng, ông đánh giá thế nào về tuyên bố của Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị cách chức Giám đốc Sở GTVT TP.Hải Phòng?

- Tôi đồng tình với tuyên bố của Bộ trưởng Đinh La Thăng. Với trọng trách trước nhân dân (Quốc hội phê chuẩn chức bộ trưởng) là tư lệnh ngành GTVT, khi người đứng đầu ngành ấy ở địa phương (giám đốc sở GTVT) không hoàn thành nhiệm vụ, yếu kém để xảy ra nhiều sai sót thì việc tư lệnh ngành đề nghị chính quyền địa phương – cơ quan có thẩm quyền - cách chức cán bộ yếu kém đó là điều hết sức bình thường và nên làm. Chẳng hạn về vấn đề nóng hiện nay là an toàn giao thông, với tư cách là Bộ trưởng Bộ GTVT, ông Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, trước nhân dân về số vụ tai nạn giao thông xảy ra trên khắp cả nước.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn.

Do vậy, nếu an toàn giao thông ở một địa phương nào đó có vấn đề - phía dưới xảy ra nhiều vụ tai nạn thì cũng là trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GTVT; và như vậy rõ ràng ông bộ trưởng cũng phải có quyền được có ý kiến của mình, về việc lựa chọn bổ nhiệm hay miễn nhiệm ông giám đốc sở GTVT (tư lệnh ngành của địa phương) liên quan đến việc hoàn thành hay không hoàn thành nhiệm vụ đó. Điều này là cần thiết và thể hiện trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng. Như vậy, việc Bộ trưởng Thăng đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét cách chức ông Giám đốc Sở GTVT TP.Hải Phòng khi chưa hoàn thành nhiệm vụ là bình thường và phù hợp với yêu cầu công việc, còn việc ông Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng có bị cách chức theo đề nghị của Bộ trưởng Thăng hay không, là thuộc thẩm quyền của UBND TP.Hải Phòng.

Vậy thưa Thứ trưởng, trước khi địa phương bổ nhiệm giám đốc sở chuyên ngành thì tư lệnh ngành đó (bộ trưởng) có được tham vấn, cho ý kiến về nhân sự dự kiến bổ nhiệm đó hay  không?

- Trước đây, đã có thời kỳ khi xem xét, bổ nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo là người đứng đầu sở ngành, các địa phương đều thực hiện quy trình hiệp thương với bộ được giao quản lý ngành, lĩnh vực. Nhưng nguyên tắc và quy trình này hiện nay không còn được áp dụng.

Như những gì vừa phân tích, thì thấy rất cần phải  trở lại nguyên tắc hiệp thương – thống nhất với bộ chuyên ngành (ngành dọc) về nhân sự - người đứng đầu sở, ngành, mà địa phương dự  kiến bổ nhiệm, thưa Thứ trưởng?

- Từ thực tế tôi thấy rằng cần phải nghiên cứu, xem xét để thực hiện trở lại quy định nguyên tắc hiệp thương, cụ thể là các địa phương trước khi bổ nhiệm cán bộ, công chức là người đứng đầu sở ngành nên trao đổi ý kiến thống nhất với bộ chuyên ngành. Như vậy sẽ góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo quản lý, tăng cường sự gắn kết trong triển khai thực hiện nhiệm vụ giữa các bộ, ngành với các địa phương, củng cố sự thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính; tạo điều kiện để các bộ chuyên ngành làm tốt chức năng của mình mà không gặp bất cứ trở ngại nào do vấn đề “người của địa phương, còn công việc là của bộ”.

Thứ trưởng có thể cho biết quy trình cách chức một giám đốc sở như thế nào?

- Cách chức là một hình thức kỷ luật. Vì vậy phải thực hiện theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về việc xử lý kỷ luật. Quy trình, thủ tục, thẩm quyền xử lý kỷ luật đã được quy định tại Luật Cán bộ, công chức và Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17.5.2011 của Chính phủ về xử lý kỷ luật đối với công chức.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Lao động