![]() |
Nhà máy sợi của Tập đoàn Texhong tại KCN Hải Yên (TP Móng Cái) - một trong những nhà đầu tư chiến lược của tỉnh chuẩn bị đi vào hoạt động. Ảnh: Bá Khang |
Khi khó khăn cộng dồn
Năm 2013 được các nhà kinh tế đánh giá là một năm khó khăn, trong khi kinh tế thế giới phục hồi chậm thì trong nước doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động và giải thể vẫn tiếp tục diễn ra. Với vị trí là một tỉnh biên giới vùng Đông Bắc Tổ quốc, có ngành công nghiệp khai khoáng, trong đó chủ đạo là khai thác than chiếm tới trên 22% cơ cấu kinh tế, ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong 21 ngành kinh tế (cấp I) của tỉnh, trong khi ngành này đang gặp khó khăn về tiêu thụ sản phẩm. Cộng dồn vào đó hơn 1.000 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hoá qua các cửa khẩu của tỉnh, nhất là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực tạm nhập tái xuất, kinh doanh kho ngoại quan đang bị bó buộc bởi những quy định chưa hợp lý của Chỉ thị 23 của Chính phủ và Thông tư 05 của Bộ Công thương. 2 khó khăn lớn này đã đẩy cho Quảng Ninh những thách thức cao hơn so với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước trong thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. “Tuy nhiên, kết quả tăng trưởng GDP của tỉnh trong 6 tháng đầu năm vẫn đạt mức cao hơn so với bình quân chung của cả nước. Quảng Ninh đạt 6,5% (cả nước 4,3%), trong đó khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản đạt tốc độ 4%, khu vực công nghiệp xây dựng 4,3%, bởi ngành khai khoáng, chế biến chế tạo, xây dựng tăng trưởng âm (khai khoáng bằng 97,3% so cùng kỳ, chế biến chế tạo 99,7%, xây dựng bằng 98%), khu vực dịch vụ đạt 9,5% (tăng cao nhất ngành lưu trú ăn uống tăng 26,7%, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ tăng 108%...). Tổng thu NSNN trên địa bàn ước thực hiện 6 tháng đạt trên 14.000 tỷ đồng, đạt 42% dự toán, bằng 97% cùng kỳ” - đồng chí Trần Đức Lâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thông tin tới phiên họp về bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh trong nửa đầu chặng đường của năm 2013 như vậy.
Trong khó khăn chung của các ngành kinh tế, việc ngành công nghiệp khai khoáng đang ở mức tăng trưởng âm trong 6 tháng qua được ông Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) Lê Minh Chuẩn lý giải: Hiện giá than thế giới đang ở mức thấp nhất trong 3 năm gần đây, theo Hiệp hội các nhà môi giới năng lượng châu Âu (LEBA) cho biết giá than giao dịch kỳ hạn trong tháng 5 dao động từ 81,9 đến 84 USD/tấn, chốt tháng tại 82,1 USD/tấn; giá giao dịch trong tháng 5 được ghi nhận là giá thấp nhất 3 năm qua. Đồng thời tháng 5 vừa qua Cơ quan Năng lượng quốc gia Trung Quốc đề xuất lệnh cấm nhập khẩu than chất lượng kém, tức là than có giá trị nhiệt lượng thấp, để tăng tiêu thụ sản phẩm nội địa, đồng thời góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Điều này có nghĩa là khoảng 1/5 than, tương đương 50 triệu tấn than/năm sẽ bị ngừng nhập vào Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc là thị trường xuất khẩu than lớn nhất của Việt Nam (chiếm tới 80%). Hiện nay một số nước xuất khẩu than có thuế xuất khẩu thấp từ 0-5%, trong khi thuế xuất khẩu than của Việt Nam là 10% và từ tháng 7 tăng lên 13%, đây là yếu tố gây bất lợi trong cạnh tranh thị trường xuất khẩu than của Việt Nam. Xuất khẩu than giảm buộc Tập đoàn phải giảm sản lượng sản xuất do không có đủ bến bãi chứa lượng than tồn kho lớn, nếu tăng sản xuất mà không tiêu thụ được sẽ không có tiền trang trải các chi phí trong sản xuất, đặc biệt là lương công nhân. Đây chính là mấu chốt than các loại giảm 3,2% so cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm nay. Từ đây kéo theo lợi nhuận của ngành than trong 6 tháng đầu năm chỉ được 600 tỷ đồng, trong khi đó cùng kỳ năm 2012 là 2.000 tỷ đồng. Cũng theo thông tin từ ông Tổng Giám đốc của Vinacomin thì theo kế hoạch năm 2013 ngành than dự kiến sản lượng là 43 triệu tấn, tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay sẽ buộc phải cắt giảm sản lượng xuống còn 39 triệu tấn, kế hoạch đầu tư toàn ngành giảm từ 37.000 tỷ đồng xuống 19.000 tỷ đồng.
Khó khăn của ngành Than cộng với các ngành kinh tế khác đã khiến cho thu ngân sách của tỉnh trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 42% dự toán giao năm 2013, thu nội địa phần ngân sách tỉnh được hưởng mới chỉ đạt 45% dự toán.
![]() |
Hoạt động XNK hàng hóa là một trong lĩnh vực được tỉnh tập trung nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn. Trong ảnh: Xuất khẩu hàng hóa tại cửa khẩu Hoành Mô (Bình Liêu). |
Muốn có thành quả kép
Như phát biểu của đồng chí Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh ngay tại phiên họp: Trong khó khăn chung của cả thế giới, cả nước thì một địa phương đương nhiên không thể tránh khỏi, vì vậy kết quả đạt được này là hoàn toàn rất phù hợp. Cái mà Quảng Ninh theo đuổi lớn hơn nữa đó là những thành quả kép, không chỉ là kết quả hoàn thành của các chỉ tiêu kinh tế - xã hội 2013 mà quan trọng hơn nữa là đặt nền tảng đảm bảo phát triển nhanh và bền vững cho các năm tiếp theo. Chính vì vậy, giải pháp nhất quán được chỉ đạo ngay từ đầu năm đó là từng bước chuyển đổi mô hình phát triển và tăng trưởng theo hướng xanh và bền vững, thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, các công trình động lực có sức lan toả rộng...
Còn với một trong những vị tổng chỉ huy triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đọc cho rằng: Chưa năm nào trong một khoảng thời gian rất ngắn tỉnh làm nhiều việc lớn như vậy, trong 6 tháng có tới mười mấy cuộc làm việc với các bộ, ngành Trung ương để cụ thể hoá 7 nhóm cơ chế chính sách theo Thông báo 108 của Bộ Chính trị dành cho tỉnh, 7 cuộc gặp gỡ, tiếp xúc chính thức để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hàng chục buổi làm việc với các nhà đầu tư chiến lược Nhật Bản, Vingroup, Texhong, Amata, Charmvit từ đây xác định được 15 dự án trọng điểm, 4 nhà đầu tư chiến lược trong nước và 9 nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và liên danh trong và ngoài nước... Thời gian tới khi các dự án chiến lược như sân bay, casino Vân Đồn, đường nối TP Hạ Long với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, khu đô thị thông minh, hệ thống chuỗi các nhà máy sợi, dệt may... được các nhà đầu tư chiến lược triển khai chắc chắn Quảng Ninh sẽ có những đột phá mới. Và nền tảng đang được tạo dựng ngay từ trong giai đoạn khó khăn này.
Lan Hương
Để về đích thành công * Đồng chí Trần Đức Lâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Dù tỉnh ta đã đạt được mức tăng trưởng cao hơn so với mức trung bình của cả nước nhưng để thực hiện các mục tiêu và chỉ tiêu phát triển năm 2013 ở mức cao nhất cần có sự nỗ lực rất lớn của các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh. Trong đó cần đặc biệt tập trung vào các giải pháp chính như khẩn trương triển khai thực hiện và hoàn thành các quy hoạch; các dự án, chương trình đầu tư phát triển và đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ; triển khai công tác đào tạo nguồn nhân lực theo chương trình của Trung ương và của tỉnh; thực hiện tốt cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính để tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thông thoáng nhằm thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước; đẩy mạnh huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nghiên cứu, kêu gọi thu hút đầu tư đối với các nhà đầu tư chiến lược. Đặc biệt quan tâm đến việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như nghiên cứu xây dựng, điều chỉnh giá đất, giá thuê đất cho phù hợp; có cơ chế lãi suất tiền vay phù hợp đối với các khế ước cũ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; rà soát thu hồi các dự án mà các nhà đầu tư chậm, kéo dài đầu tư, gây lãng phí tài nguyên để ưu tiên cho các nhà đầu tư có năng lực đầu tư thực sự. * Đồng chí Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Sở Tài chính: Nửa đầu của năm 2013 chúng ta mới thực hiện được 45% dự toán ngân sách HĐND tỉnh giao, như vậy trong 6 tháng còn lại sẽ phải thực hiện 55% dự toán. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, vì vậy các sở, ngành và các địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt về thu ngân sách trong 6 tháng cuối năm, phấn đấu đến hết năm 2013 hoàn thành dự toán thu ngân sách ở mức cao nhất. Theo đó cần tăng cường công tác quản lý, đôn đốc thu đầy đủ, kịp thời các khoản thu vào NSNN; rà soát, khai thác tăng thu các khoản thuế còn tồn đọng, các khoản phí, lệ phí đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ, thương mại, du lịch, nhất là các hoạt động trên Vịnh Hạ Long, hoạt động kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ; quản lý, khai thác tốt phí, lệ phí đối với hàng hoá tạm nhập, tái xuất. Tổ chức kiểm tra, xác định chính xác số lượng cơ sở kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế đưa vào quản lý thuế. Thanh tra, kiểm tra chuyên sâu theo từng ngành, từng lĩnh vực trọng điểm, đặc biệt chú ý đến các doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, vấn đề hoàn và khấu trừ thuế giá trị gia tăng. Đôn đốc thu đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước đối với các khoản thuế và thu ngân sách năm 2012 được gia hạn sang năm 2013. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về thuế, mở rộng khai thuế điện tử qua mạng internet. Tranh thủ tối đa sự hỗ trợ về cơ chế chính sách, nguồn lực đầu tư từ Trung ương và đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực từ xã hội. Đồng thời, tiếp tục thực hiện giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế và các khoản thu ngân sách nhà nước cho một số đối tượng doanh nghiệp. UBND các cấp phải thường xuyên kiểm tra đôn đốc, chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp với cơ quan thuế để tổ chức quản lý và chống thất thu, chống dây dưa chây ỳ thuế, trốn thuế. Tận dụng và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương. * Đồng chí Nguyễn Thành Phố, Chủ tịch UBND TP Uông Bí: Trong thời gian qua Uông Bí cũng như các địa phương Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái đã được UBND tỉnh phân cấp tối đa về thẩm quyền quản lý Nhà nước để từng bước tiến tới xây dựng chính quyền đô thị. Kết quả của sự phân cấp, uỷ quyền này đã tạo cho các địa phương sự chủ động linh hoạt hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành, tạo những bước phát triển đột phá mới. Tiếp tục triển khai những nội dung công việc đã được tỉnh phân cấp, uỷ quyền thời gian tới Uông Bí sẽ đẩy mạnh hơn việc rà soát, hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp chủ lực như than, điện, sản xuất xi măng và các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn. Chủ động nắm tình hình và kịp thời giải quyết ngay những vướng mắc của doanh nghiệp trong phạm vi quyền hạn, đồng thời báo cáo đề xuất những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho một số doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động, tiêu thụ nhiều sản phẩm, các doanh nghiệp có sản phẩm tồn kho lớn. * Đồng chí Đào Xuân Đan, Chủ tịch UBND TP Hạ Long: Trong những tháng đầu năm TP Hạ Long tập chỉ đạo quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: Hoàn thành tốt công tác GPMB dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 18 đoạn qua địa bàn thành phố, giải toả chợ cá tự phát Cột 5, hoàn thành di chuyển khẩn cấp 83 hộ dân chung cư 5 tầng cũ tại phường Hồng Hà, chuẩn bị các điều kiện để thực hiện nâng cấp đô thị, cơ sở hạ tầng để đón các dự án đầu tư lớn… Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm thành phố sẽ đôn đốc thực hiện thu NSNN, tập trung hoàn thành dứt điểm các công trình xây dựng cơ bản; phấn đấu hoàn thành quy hoạch đất đai đến năm 2020, hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong năm 2013. Thu Trang (Thực hiện) |