![]() |
Bà Hoàng Thị Quy (thôn Đồng Gianh, xã Bản Sen) bên gốc chè cổ trong vườn chè của gia đình. |
Giống quý bị “bỏ rơi”
Chè Vân, cam Sen là hai giống cây bản địa mang tính đặc trưng cao của khu đảo Vân Đồn. Đặc biệt, chỉ có trồng ở Bản Sen thì hai loại cây này mới tạo ra được sự khác biệt trong hương vị và màu sắc. Qua khảo sát và nghiên cứu của Trung tâm Thực nghiệm và Đào tạo nghề (Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội) và Viện Rau quả Trung ương, chè Vân ở Bản Sen là giống chè cổ thụ, có hương thơm tự nhiên, vị dịu ngọt, màu sắc đẹp. Việc chế biến, sản xuất chè Vân theo cách truyền thống cũng khá đặc biệt. Chè được hái về phơi héo lá sau đó được ủ bằng phương pháp truyền thống đến khi lá chè chuyển từ màu xanh sang màu đỏ thì bỏ ra sao trên bếp lửa, cuối cùng lại phơi hoặc sấy một lần nữa thì mới được. Chính vì vậy, việc sản xuất chè Vân ở Bản Sen có thể tạo ra những sản phẩm chè sạch, an toàn. Từ nguyên liệu chè Vân có thể sản xuất thảo dược có tác dụng phòng tránh bệnh tật và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Bên cạnh giống chè Vân thì cây cam Sen cũng có những đặc trưng khác biệt. Về hình thức bên ngoài, cam Sen khá giống với quả cam sành, tuy nhiên khi bổ ra, nước cam giống như màu mật ong, ăn rất ngọt. Cam Sen đã nhiều năm là niềm tự hào của người dân Bản Sen.
Nói về thương hiệu một thời của xã đảo này, anh Lê Hồng Phương, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Cam và chè ở Bản Sen được trồng từ hàng trăm năm nay. Hiện nay ở Bản Sen có những gốc chè cả trăm tuổi. Vào thời kỳ bao cấp, ở Bản Sen đã có hợp tác xã Cam - Chè với diện tích trồng chè Vân lên đến trên 100ha. Việc sản xuất chè và trồng cam ở xã thời ấy rất mạnh. Sản phẩm cam Sen, chè Vân được bán ra cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Thương hiệu cam Sen, chè Vân có từ hồi ấy. Đến khi nhà nước chuyển đổi từ bao cấp sang kinh tế thị trường thì hợp tác xã Cam - Chè tách ra cho các hộ sản xuất. Khoảng 10 năm trở lại đây, khi người dân trong xã tập trung vào khai thác và nuôi trồng thuỷ sản thì hai giống cây này không còn được quan tâm chăm sóc như trước nữa. Hiện nay, chè Vân sản xuất ra chỉ đủ để bán ở trong huyện, chỉ có cây cam Sen là được quan tâm hơn vì có giá trị kinh tế cao lại dễ khai thác...”.
Đưa chúng tôi đi khảo sát thực tế tại những đồi chè, cam đã nhiều năm tuổi của xã, anh Phương cho hay là hiện nay cả xã chỉ còn 60 hộ gia đình còn giữ lại những đồi chè. Theo quan sát của chúng tôi, những đồi chè Vân chủ yếu là phát triển tự nhiên, đa số các cây chè không được chăm sóc, thậm chí còn bị các loại cây rừng khác mọc chen lấn. Người dân địa phương thì khai thác chè bằng cách “chặt hạ” theo kiểu chặt một cành to có nhiều búp rồi mang xuống đất hái, trong khi để có một cành như vậy phải mất tới chục năm.
Anh Phương còn dẫn chúng tôi tới thăm vườn chè của gia đình bà Hoàng Thị Quy ở thôn Đồng Gianh, một trong những hộ có số gốc chè, cam nhiều và cổ nhất vùng trước đây. Bà Quy cho biết: “Trước đây cây chè, cam được người dân quan tâm trồng vì đem lại nguồn thu lớn. Tuy nhiên, sau nhiều năm bị cằn, nên sản lượng thấp mà chất lượng cũng kém hơn. Đặc biệt là khi người dân chuyển sang khai thác và nuôi trồng thuỷ sản thì hầu như các hộ trồng chè như gia đình tôi đều bỏ không chăm sóc, thậm chí không khai thác. Gia đình tôi cũng đầu tư vào nuôi tu hài, hầu như mấy năm nay sản lượng kém, lại được các đồng chí cán bộ xã tuyên truyền về giá trị của hai loại cây này nên gia đình tôi đã quay trở lại tập trung khôi phục lại vườn cam, chè”.
Cơ hội mới
Được biết, để bảo tồn và phát triển hai giống cây quý này ở Bản Sen, năm 2005, Phòng Nông nghiệp huyện Vân Đồn đã cho triển khai dự án bảo tồn và phát triển giống cam Sen và chè Vân. Tuy nhiên, khi đó người dân nơi đây đang tập trung vào nuôi trồng thuỷ sản, chưa mặn mà với việc quay trở lại trồng hai loại cây này. Bên cạnh đó, khi thực hiện gặp khó khăn về kinh phí nên dự án phải dừng lại. Mới đây, Sở Khoa học - Công nghệ đã mời Trung tâm Thực nghiệm và Đào tạo nghề (Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội) và Viện Rau quả Trung ương tham gia hai đề tài phục tráng giống chè Vân và cam Sen ở đây. Việc triển khai thực hiện hai đề tài khoa học này có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn 2 giống cây quý. Tiến sĩ Ninh Thị Phíp, giảng viên Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội cho hay: “Sau thời gian dài nhân giống và chăm sóc tự nhiên, hai giống cây này đã bị thoái hoá, biểu hiện là chất lượng và sản lượng giảm hẳn. Hiện nay ở Bản Sen còn rất nhiều những gốc cam, chè cổ có tuổi thọ cả trăm năm tuổi. Chúng tôi sẽ lựa chọn những gốc cổ có chất lượng tốt nhất để nhân giống theo phương pháp mới đảm bảo giữ được nguồn gien quý; xây dựng quy trình chăm sóc và khai thác cho người dân địa phương nhằm nâng cao năng suất, chất lượng”. Việc thực hiện hai đề tài này là bước đầu tiên trong dự án bảo tồn và phát triển hai giống cây quý ở Bản Sen. Sau khi đã có những vườn chè, cam đảm bảo yêu cầu, cơ quan chuyên môn sẽ tiến hành xây dựng thương hiệu cho hai sản phẩm này.
Bản Sen có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế cả về nông, lâm và ngư nghiệp. Đặc biệt, ở Bản Sen còn có nhiều hang động đẹp là tiềm năng du lịch trong tương lai. Sản phẩm cam Sen, chè Vân ở đây nếu được phát triển tốt sẽ trở thành những sản phẩm hấp dẫn phục vụ du lịch, đem lại nguồn thu lớn cho xã đảo này.
Hoàng Trình