Thứ tư, 30/04/2025, 7:23 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Tín hiệu vui cho người sản xuất và chế biến chè ở Hải Hà

Chè là một trong những cây trồng truyền thống, từ lâu đã gắn bó với người dân huyện Hải Hà. Hiện nay, chè được trồng tại 9/16 xã, thị trấn. Chè đã đem lại lợi nhuận không nhỏ, góp phần ổn định kinh tế cho các hộ dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh...

Thu hoạch chè ở Đường Hoa, huyện Hải Hà.
Thu hoạch chè ở Đường Hoa, huyện Hải Hà.

Có nhiều giống chè đang được trồng tại huyện Hải Hà, như chè Trung du, chè Thuý Ngọc; chè Phúc Vân Tiên và chè Keo Am Tích… Điều này đã tạo ra nhiều loại sản phẩm chè với chất lượng và giá bán khác nhau, đa dạng hoá nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, chính vì thế, nó lại “làm khó” cho việc chọn ra một số sản phẩm chủ lực để phát triển. Mặt khác, năng suất chè nguyên liệu dao động rất lớn (từ 50-90 tạ/ha) do yếu tố giống, kỹ thuật canh tác, thu hái và đầu tư không đồng bộ giữa các hộ sản xuất trong vùng; chưa kể việc tiêu thụ sản phẩm chủ yếu dưới dạng bán thành phẩm nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Cùng với đó, giá bán sản phẩm giữa các cơ sở sơ chế biến chè trên địa bàn huyện lại có sự chênh lệch khá lớn. Năm 2011, giá chè búp tươi nguyên liệu dao động từ 5.000 - 6.500 đồng/kg, chè bán thành phẩm từ 60.000 đến 180.000đ/kg. Sự khác biệt về giá bán sản phẩm là do nhiều nguyên nhân như chất lượng giống, thời vụ thu hoạch và kỹ thuật thu hái chè búp tươi v.v.. khác nhau; thêm nữa là sự thiếu liên kết giữa người trồng với các cơ sở chế biến, kinh doanh chè trong vùng. Toàn huyện hiện có 2 doanh nghiệp quy mô lớn, 300 lò sao thủ công của các hộ trồng chè. Cả 2 doanh nghiệp đều chế biến theo kỹ thuật riêng và chưa chú trọng đến chất lượng chè nguyên liệu… Đây là những nguyên nhân làm cho sản phẩm chè của Hải Hà có sự khác biệt lớn về chất lượng, tính cạnh tranh kém và rất khó quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hiện nay, tất cả các cơ sở chế biến, kinh doanh chè ở Hải Hà đều bán sản phẩm dưới dạng không có nhãn mác hoặc với nhãn mác riêng. Tuy nhiên, các nhãn mác đều không hợp chuẩn (chỉ có duy nhất tên và địa chỉ của người bán). Từ đó, gây khó khăn cho việc nhận dạng sản phẩm, bảo vệ quyền lợi của chính người chế biến, kinh doanh và trồng chè. Các nhãn mác đang sử dụng chưa trở thành công cụ tiếp cận thị trường có hiệu quả cho sản phẩm nổi tiếng “chè Đường Hoa” một thời của huyện Hải Hà.

Các cán bộ thực hiện Dự án kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng chè Đường Hoa.
Các cán bộ thực hiện Dự án kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng chè Đường Hoa.

Trước thực trạng trên, tháng 10 năm 2012, Sở Khoa học và Công nghệ  Quảng Ninh, UBND huyện Hải Hà và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp tổ chức hội nghị triển khai dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận chè Đường Hoa cho sản phẩm chè của huyện Hải Hà. Mục tiêu của dự án nhằm phát triển bền vững và tạo ra hiệu quả kinh tế cho các tác nhân tham gia chuỗi giá trị chè Đường Hoa thông qua việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận. Theo lộ trình, Dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2013.

Thực hiện dự án này, tháng 3 năm 2013, các đơn vị tham gia Dự án đã thành lập Ban vận động và hoàn thiện bộ tiêu chí chứng nhận cho sản phẩm chè Đường Hoa và tổ chức  thảo luận, góp ý để chuẩn hoá quy trình trồng, chăm sóc, chế biến chè phục vụ cho việc quản lý, khai thác và phát triển sản phẩm sau khi được bảo hộ, góp ý cho Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu v.v..

Cũng trong khuôn khổ của Dự án, Sở KH&CN phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống nông nghiệp (thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) đã tiến hành tổ chức tập huấn về quy trình kỹ thuật trồng và chế biến chè xanh cho các hộ dân sản xuất, chế biến và kinh doanh chè trên địa bàn huyện, với rất đông hộ dân của 6 xã tham gia (xã Quảng Thịnh, Quảng Đức, Quảng Long, Quảng Chính, Quảng Thanh, Quảng Phong). Trao đổi với chúng tôi, bà Đào Thị Bính (thôn 5, xã Quảng Thịnh), nói: “Tham gia tập huấn, bà con chúng tôi có thêm nhiều kiến thức mới về kỹ thuật trồng, chăm sóc chè từ giai đoạn chè con đến giai đoạn tạo tán và giai đoạn kinh doanh. Cùng với đó là các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, nhận biết các loại thuốc bảo vệ thực vật, rồi cả cách chế biến chè sao cho ngon để khi chè đưa ra thị trường đảm bảo chất lượng tốt nhất…”.

Đến thời điểm này có thể thấy các đơn vị thực hiện Dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận chè Đường Hoa cho sản phẩm chè của huyện Hải Hà đã được triển khai rất tích cực. Đây là tín hiệu vui đối với các hộ dân sản xuất, chế biến và kinh doanh chè trên địa bàn huyện. Ông Hoàng Văn Thường (Ban vận động thành lập Chi hội chè xã Quảng Thịnh) phấn khởi nói: “Việc triển khai xây dựng thương hiệu chè đã giúp chúng tôi thay đổi nếp sản xuất, chế biến chè cũ bằng lối làm ăn mới phù hợp với cơ chế thị trường. Chúng tôi sẽ tiếp tục hướng tới làm chè sạch, chè ngon để khẳng định thương hiệu chè Đường Hoa… Tuy nhiên, chúng tôi cũng đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm, đưa thêm nhiều giống chè mới, chè ngon, chè đặc sản vào cho bà con thâm canh, đẩy mạnh sản xuất. Bởi thương hiệu chè Đường Hoa của Hải Hà muốn hấp dẫn người tiêu dùng thì điều đầu tiên phải là nâng cao chất lượng sản phẩm đã…”

Thu Hương  (Sở KH&CN)