Thứ tư, 30/04/2025, 9:59 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Tôi yêu nghề báo đến cháy lòng...

Nếu tính từ bài báo đầu tiên Cô The chăm bèo đăng trên Báo Quảng Ninh năm 1997, qua 46 năm, đến nay, dù đã cộng tác với nhiều báo  trung ương, địa phương khác, nhưng  tôi vẫn tự coi mình là “CTV ruột” của Báo Quảng Ninh, với biết bao kỷ niệm; những kỷ niệm thường gắn với một bài báo nào đấy. Ấy là những “Cô Tấm làng Trung Bản”, “Đất mới Phương Nam”, “Vân Đồn vùng sáng phía Đông”, “Minh Châu viên ngọc biển xa”, “Móng Cái mùa thu” v.v.. và v.v..



Tôi nhớ, bài báo“Sau luỹ tre làng còn khuất một nỗi đau” viết năm 1999 về anh Bùi Huy Thực ở xóm Vỏ Hà, xã Phong Hải, một quân nhân bị nhiễm chất độc da cam trong chiến tranh. Anh bị mất hồ sơ bệnh án, mất trí nhớ, điên ngộ, phá phách. Ngôi nhà tranh xiêu vẹo, xã phải dựng đi dựng lại nhiều lần. Bà mẹ già 75 tuổi đau đớn, lặng thầm nuôi anh hơn hai chục năm trời. Địa phương, đồng đội cũ đã làm đơn chứng nhận cho anh tới 9 con dấu và chữ ký. Tất cả đã cố gắng, nhưng vẫn chưa xin được chế độ cho anh… Khi bài báo đăng trên Báo Quảng Ninh, Báo Tiền Phong… các đồng đội trong TP Hồ Chí Minh đọc được, đã đến Bệnh viện Quân y cũ tìm danh sách bệnh binh, trong đó có anh, điều trị tại đây và gửi ra cho chúng tôi. Tiếp theo là một phóng sự truyền hình do nhóm CTV Yên Hưng, gồm tôi, Hữu Bình, Ngô Bá Nhân tự bỏ kinh phí ra quay phim và dàn dựng, được phát trên Đài PT-TH Quảng Ninh. Các bạn đọc từ Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng… đã điện và viết thư chia sẻ nỗi niềm với gia đình và chúng tôi. Năm 2006, tin vui đã đến với gia đình, anh Thực đã được Bệnh viện Quân đội 103 giám định thương tật, Bộ LĐ-TB&XH chính thức cấp chế độ bệnh binh cho anh và mẹ anh. Năm nay mẹ anh đã 89 tuổi! Bây giờ anh Thực sống khoẻ, không lang thang nữa, đã biết cười với mọi người. Anh còn lấy vợ và đã sinh một con trai, cháu đã lên 5 tuổi!

Hay như bài báo “Cần có một ngoại lệ cho liệt sĩ Nguyễn Công Bao” đăng Báo Quảng Ninh năm 1999 nữa. Trong lúc dư luận cả nước từng biết về chiến công của Nguyễn Công Bao (quê Cẩm La - Yên Hưng) cùng 8 chiến sĩ đặc công Đoàn 10 Rừng Sác đêm 2 rạng 3-12-1973 thiêu huỷ toàn bộ Tổng kho xăng dầu Nhà Bè của Mỹ ngụy, Nguyễn Công Bao được tuyên dương “Hành động anh hùng” và truy tặng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhất. Sau ngày đất nước thống nhất, hình ảnh Nguyễn Công Bao và đồng đội của anh là Phạm Văn Tiềm được lấy làm nguyên mẫu dựng tượng đài tại Nghĩa trang liệt sĩ Nhơn Trạch. Tên anh còn được đặt cho một con đường tại huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh… Thế nhưng, tiếc thay, ngay tại quê hương Quảng Ninh, mọi người dường như lại rất ít biết về anh! Và bài báo “Người liệt sĩ với nguyên mẫu tượng đài” của tôi đăng trên Báo Quảng Ninh, Báo Quân đội Nhân dân, Báo Văn nghệ Công an nhân dân năm 2006, và gần đây là bút ký “Chiến công và khát vọng” đăng trên Báo Hạ Long, Báo Văn Nghệ Trẻ, Báo Nhân Dân cuối tuần… Những bài báo ấy của tôi về Anh hùng - Liệt sĩ Nguyễn Công Bao đã góp thêm được tiếng nói nhằm sửa chữa, khắc phục những bất cập trong việc thực hiện chính sách hậu phương và như một tiếng chuông báo về chiến công hiển hách của người liệt sĩ còn chìm trong yên lặng. Năm 2001, nhân dân ven sông Lòng Tàu đã tìm được hài cốt của anh và anh Phạm Văn Tiềm. Mẹ con chị Vũ Thị Hiệp (vợ anh Bao) đã nhận được  hài cốt của người chồng, người cha Anh hùng. Tháng 7-2009, hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Công Bao đã được đưa đón, quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ Cộng Hoà (thị xã Quảng Yên). Đặc biệt hơn, vừa qua nhân kỷ niệm 38 năm Đại thắng mùa xuân (1975-2013), liệt sĩ Nguyễn Công Bao đã được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân…

Từ sự tâm huyết với nghề mà không biết tự bao giờ, bà con nông dân quê tôi đã gọi tôi là “Nhà báo”! Nghe thì vui, thì tự hào nhưng lại càng lo, càng phải viết làm sao cho tốt, chớ lợi dụng nghề để trục lợi... Tôi đã có hàng ngàn tin, bài đăng trên báo, nhưng luôn tự nhủ mình: Quan trọng không phải là  viết nhiều hay ít mà là viết thế nào, có  hiệu quả hay không? Nhìn lại cả quãng đời viết báo, riêng tôi chưa mắc một việc gì làm ảnh hưởng đến danh dự người cầm bút. Yêu nghề báo đến cháy lòng, tôi vẫn đi và viết bằng trái tim, bằng số phận hạt cát, hạt lúa trên “cánh đồng cuộc đời”, để có được những tác phẩm báo chí về mảnh đất và con người quê hương, đất nước tôi! Tôi nguyện làm một người viết báo nghiệp dư, như người nông dân một nắng hai sương cần mẫn thâm canh, lấy hạt lúa làm tín ngãi tình yêu!

Dương Phượng Toại