Nhiều năm trước đây, toàn bộ khu vực đầm nuôi trồng thuỷ sản của gia đình ông Nguyễn Trung Thực, tổ 39, khu 11, phường Quang Trung đều là lau sậy, gia đình ông Thực đã bỏ rất nhiều công sức để khai hoang 7.400m2 đất phục vụ việc phát triển kinh tế. Hiện nay gia đình ông Thực có 5.400m2 đầm nuôi thuỷ sản, còn lại 2.000m2 là đất ở và vườn tạp. Năm 2003, nhằm tăng cường công tác quản lý đất đai và làm cơ sở xét duyệt GCNQSDĐ cho các hộ dân, Uông Bí được UBND tỉnh cấp kinh phí để thực hiện việc đo vẽ bản đồ địa chính toàn thị xã (nay là thành phố). Trong đó gia đình ông Thực là một trong số hộ có đất nuôi trồng thuỷ sản đã được tiến hành đo vẽ bản đồ toàn bộ diện tích để làm căn cứ cấp GCNQSDĐ.
![]() |
Điểm đỗ xe tắc xi đối diện cổng Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, phường Thanh Sơn (Uông Bí). Ảnh: Việt Hoa |
Ông Thực cho biết: “Tôi ra đây ở từ năm 1978 nhưng chưa được cấp GCNQSDĐ nên làm ăn không ổn định. Năm 2003 tôi được phường Quang Trung thông báo và có cán bộ địa chính hướng dẫn các thủ tục về cấp GCNQSDĐ. Tôi thấy thời gian được cấp sổ đỏ rất nhanh, chỉ trong một tháng là được nhận sổ”.
Hiện nay tỷ lệ cấp GCNQSDĐ ở đô thị của cả tỉnh mới đạt trên 85%, còn lại các loại đất phi nông nghiệp, đất thuỷ sản, đất lâm nghiệp tỷ lệ cấp dưới 80%. Chính vì vậy, xác định để đẩy nhanh tiến độ thực hiện cấp GCNQSDĐ trên địa bàn, Phòng Tài nguyên - Môi trường TP Uông Bí đã hướng dẫn cho UBND các xã, phường và tích cực tham mưu cho UBND thành phố xây dựng lộ trình, tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ. Việc tiếp nhận hồ sơ, quy trình cấp GCNQSDĐ được TP Uông Bí đảm bảo theo quy định và có nhiều tiến bộ trong việc thực hiện cải cách hành chính theo cơ chế một cửa. Hàng năm, UBND TP Uông Bí xây dựng lộ trình và xác định nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện. Hàng tháng đều tổ chức giao ban công tác địa chính để kiểm điểm, bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ. Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình trong sử dụng đất và chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, TP Uông Bí cũng chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, rà soát việc sử dụng đất; rà soát cụ thể đến từng hộ, từng loại đất, nguồn gốc sử dụng đất... xác định những trường hợp đủ điều kiện và những trường hợp không đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ; rà soát hồ sơ, thủ tục chuyển nhượng, chuyển đổi, đăng ký, thế chấp về đất đai cho nhân dân; tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghĩa vụ tài chính, các quy định về pháp luật đất đai tới quần chúng nhân dân.
Bà Lê Thị Xuân, Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường TP Uông Bí cho biết: “Thành phố đã phát động chiến dịch 38 ngày đêm cấp GCNQSDĐ. Theo đó, tất cả những hộ đủ điều kiện đã được UBND phường, xã xét duyệt, Phòng Tài nguyên - Môi trường thẩm định và trình UBND thành phố ký quyết định để thực hiện nghĩa vụ tài chính và trao GCNQSDĐ cho các hộ dân. Đến nay đã cấp xong cho đất lâm nghiệp ở độ cao 50m, độ cao trên 50m thì vừa qua thành phố đang tiến hành rà soát lại”. Cho đến thời điểm này, TP Uông Bí được đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu của tỉnh trong triển khai cấp GCN QSDĐ. Trong đó thành phố đã thực hiện cấp GCNQSDĐ đối với đất nuôi trồng thuỷ sản, đạt tỷ lệ 88%. Riêng đất ở đô thị tỷ lệ cấp giấy đạt 99,89%.
Vấn đề cấp GCNQSDĐ trên địa bàn TP Uông Bí được thực hiện hiệu quả trong thời gian qua không chỉ là căn cứ quan trọng để địa phương quản lý đất đai mà còn tạo điều kiện cho nhân dân yên tâm sinh sống, phát triển kinh tế lâu dài.
Trang Thu