Thứ ba, 29/04/2025, 20:18 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Trăn trở nghề gốm sứ Đông Triều

Thời vàng son của nghề gốm Đông Triều trước đây chỉ tính tại khu Cầu Đất (xã Đức Chính) và khu Vĩnh Hồng (thị trấn Mạo Khê) có 60-70 lò sản xuất gốm sứ truyền thống theo hình thức thủ công. Gốm Đông Triều không chỉ có mặt tại các tỉnh, thành phố trong nước mà còn xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới và mang lại công việc, cuộc sống ổn định cho hàng vạn người dân. Dù đang rất cố gắng để giữ tính truyền thống của làng nghề trong lĩnh vực sản xuất dòng gốm nặng lửa, song qua thời gian, nghề gốm sứ ở đây đang dần “teo tóp”.



Doanh nghiệp trăn trở

Đến 2 làng gốm sứ truyền thống Cầu Đất và Vĩnh Hồng những ngày này, chúng tôi cảm nhận thấy một không khí trầm lắng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ, cơ sở sản xuất cũng như các doanh nghiệp kinh doanh gốm sứ nơi đây. Đến Công ty TNHH Gốm sứ Thành Hữu, khu công nghiệp Kim Sơn, chúng tôi thấy đang có hơn 30 công nhân sản xuất để đưa vào lò nung những sản phẩm gốm sứ thuộc dòng gốm sứ nặng lửa như chậu hoa có đường kính từ 20-100cm và những chum, vại có dung tích từ 20 lít đến hàng trăm lít.

Trang trí chậu hoa tại Công ty TNHH gốm sứ Thành Hữu (Kim Sơn, Đông Triều).
Trang trí chậu hoa tại Công ty TNHH gốm sứ Thành Hữu (Kim Sơn, Đông Triều).

Anh Lê Thành Hữu, Giám đốc Công ty cho biết: Công ty chúng tôi may mắn vừa ký được một đơn hàng nên có việc cho công nhân làm chứ thực tế trong suốt thời gian qua là hoạt động sản xuất cầm chừng bởi việc tiêu thụ sản phẩm những năm gần đây vẫn đang bị “tắc”. Nhớ lại thời vàng son của nghề, anh Hữu trăn trở: Với tôi, nghề gốm sứ là nghề gia truyền. Kể từ ngày địa phương mới nhen nhóm một vài bầu lò đến khi phát triển đến 60-70 hộ sản xuất. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn nhiều chủ lò đã không giữ được nghề. Nếu như trước kia, tại khu Cầu Đất, xã Đức Chính có tới 27 lò gốm thì đến nay chỉ còn 7 lò; tại khu Vĩnh Hồng có vài chục lò thì đến nay cũng chỉ còn khoảng 10 lò. Trong số 7 lò gốm tại Cầu Đất thì chỉ có 3 chủ lò đang sản xuất thực sự, còn 4 chủ lò khác có nguy cơ không “trụ” được do khó khăn trong sản xuất cũng như đầu ra cho sản phẩm. Cũng theo anh Hữu thì, khó khăn nữa đối với nghề gốm hiện nay là phần lớn các chủ lò quen với việc sản xuất manh mún nên thiếu sự liên kết trong sản xuất, khó cạnh tranh trên thị trường với các làng nghề gốm sứ khác. Cùng với đó, nhân lực cho nghề cũng không đơn giản bởi phần lớn công nhân không được đào tạo bài bản, tính chuyên nghiệp không cao.

Được biết, Công ty TNHH Gốm sứ Thành Hữu hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực gốm sứ tại xã Kim Sơn từ năm 2008. Hiện nay, Công ty có 2 dãy lò, với tổng số 23 cửa lò, chuyên sản xuất các loại chậu to, chum vại to thuộc dòng sứ nặng lửa. Nếu thời tiết thuận lợi, bình quân mỗi tháng Công ty cho ra lò 3 chuyến, với sản lượng bình quân 5.000 sản phẩm/ tháng.

Để nâng cao hiệu quả cho nghề sản xuất gốm sứ, thời gian qua nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện Đông Triều đã mở rộng hình thức sản xuất, kinh doanh kết hợp với du lịch. Tuy nhiên, hình thức kinh doanh này cũng không mấy hiệu quả. Là một trong số những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gốm sứ kết hợp với du lịch lớn nhất nhì tại Đông Triều, Công ty CP Thành Đồng (xã Bình Dương) cũng không tránh khỏi khó khăn. Ông Đoàn Văn Tuyết, Tổng Giám đốc Công ty cho hay: Từ đầu năm đến nay, do tình hình khó khăn chung, sản phẩm của Công ty đã không xuất khẩu được sang thị trường châu Âu nên doanh thu đã bị giảm đáng kể. Ông Tuyết cũng cho biết thêm: Để giữ cho làng nghề phát triển, một yếu tố không thể thiếu đó là việc khẳng định tính truyền thống. Cùng với đó, phải tạo được yếu tố cạnh tranh, trong đó có việc cải thiện mẫu mã sản phẩm giữa các hộ sản xuất thì mới giúp nghề phát triển. Bởi với các sản phẩm hàng dân dụng đòi hỏi phải đa dạng mẫu mã, thì hàng gốm trang trí nội thất càng phải đòi hỏi cao hơn, tinh xảo hơn.

Địa phương lo lắng

Đem nỗi băn khoăn của chủ hộ sản xuất kinh doanh và các doanh nghiệp gốm sứ, trao đổi với ông Ngô Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Triều chúng tôi được biết, hiện nay Đông Triều cũng đang rất trăn trở trong việc làm sao để giữ được và đẩy mạnh phát triển nghề truyền thống này? Ông Thiệu cho hay: Trong thời kỳ bao cấp, nghề gốm sứ tại Đông Triều đã rất phát triển, sản phẩm gốm sứ của 2 HTX gốm sứ Đông Thành (Đức Chính) và Ánh Hồng (Mạo Khê) không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài, tạo được thương hiệu riêng. Tuy nhiên, từ những năm 90 trở lại đây, trong điều kiện khó khăn, 2 HTX này hoạt động kém hiệu quả và đã giải thể. Hiện nay, chỉ còn lại là các hộ sản xuất nhỏ lẻ và một số doanh nghiệp sản xuất với quy mô vừa. Từ nhiều năm trước, huyện đã tập trung cho việc đẩy mạnh phát triển nghề truyền thống này, trong đó có việc xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm gốm sứ Đông Triều; thành lập Hiệp hội Gốm sứ Đông Triều; hình thành các khu sản xuất gốm sứ tập trung gắn với du lịch trải nghiệm... Tuy nhiên đến nay, mọi giải pháp vẫn chưa tạo được chuyển biến nào đáng kể.

Hiện nay, theo chủ trương chung của tỉnh tiếp tục đẩy mạnh sự phát triển của nghề gốm sứ tại Đông Triều, trong đó có việc quy hoạch sản xuất gốm sứ vào một khu sản xuất tập trung với diện tích dự kiến 15ha. Về vấn đề này, ông Thiệu cũng khẳng định: Khó khăn thì nhiều, trong đó phải kể đến kinh phí cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng khu sản xuất tập trung, trong đó có kinh phí quy hoạch, giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng cùng với việc kêu gọi các hộ sản xuất, doanh nghiệp... vô cùng khó khăn, trong khi các hộ sản xuất nhỏ, doanh nghiệp đều khó khăn về vốn. Theo tính toán sơ bộ, kinh phí cho giải phóng mặt bằng tại khu vực này từ 1,6-1,8 tỷ đồng/ha. Như vậy, với diện tích 15ha mặt bằng khu sản xuất tập trung thì cần trên dưới 25 tỷ đồng. Kinh phí cho xây dựng cơ sở hạ tầng cũng tương ứng.

Nhận định về việc gắn phát triển nghề sản xuất gốm sứ với du lịch trải nghiệm, ông Ngô Tiến Thiệu cũng chỉ ra một số những hạn chế, trong đó có việc bố trí, hoặc các doanh nghiệp kinh doanh theo hình thức này cũng phát triển tự phát khiến hiệu quả của hình thức này không cao. Chỉ tính từ đầu huyện Đông Triều đến xã Yên Thọ, với 12km đã có 5 điểm dừng chân của các doanh nghiệp kinh doanh theo loại hình này, bắt đầu từ Công ty CP  Thành Đồng tại xã Bình Dương đến gốm sứ Thái Sơn tại Yên Thọ. Nhưng các doanh nghiệp này lại thiếu sự liên kết với nhau để phát triển mà lại tìm cách kìm hãm nhau. Vì vậy huyện cũng đang rất trăn trở tìm mô hình quản lý để phát triển được loại hình này.

Theo Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh đến năm 2020 tầm nhìn 2030 thì nhóm ngành nghề gốm sứ thuỷ tinh được xếp là ngành nghề ưu tiên số 1 trong phát triển tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Như vậy nghề gốm của Đông Triều sẽ là ưu tiên đầu tiên, tuy nhiên thực tế đang diễn ra ở những lò gốm cho thấy nếu chính sách hỗ trợ không đến sớm chắc chắn nghề gốm ở đây sẽ còn tiếp tục lao đao.

Hữu Việt