Thứ tư, 30/04/2025, 4:13 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Tri ân Mẹ Việt Nam Anh hùng

Để đất nước ta “nở hoa độc lập, kết trái tự do”, nhân dân ta có được cuộc sống bình yên như ngày hôm nay, biết bao máu đào của những người con ưu tú đã đổ xuống trong những năm tháng đấu tranh giải phóng dân tộc. Để ghi nhớ công lao to lớn ấy, cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể Quảng Ninh luôn quan tâm đến công tác Đền ơn đáp nghĩa, thấm sâu đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, trong đó, có hoạt động chăm sóc, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH).



Gương soi cho muôn đời  

Theo con đường ngoằn ngoèo, chúng tôi đi sâu vào ngõ nhỏ của khu 1, phường Cao Xanh (TP Hạ Long) để tìm đến nhà Mẹ VNAH Nguyễn Thị Đắc. Mặc dù năm nay mẹ đã ở vào tuổi xưa nay hiếm (mẹ sinh năm 1920) nhưng vẫn còn tinh anh và nhanh nhẹn lắm.  

Hiện mẹ Đắc vẫn còn 5 người con với hơn 20 người cháu, chắt. Anh Trần Văn Thịnh, con trai út của mẹ kể về sức khoẻ của mẹ: “Bà ăn uống dễ lắm, có gì ăn nấy. Mỗi sáng bà đều thức dậy sớm, đi tập thể dục, uống trà và nhai trầu. Thi thoảng con cháu ở xa tụ về, thường chở bà ra chợ để bà tự chọn những món ăn bà thích”.

Mặc dù đã 93 tuổi nhưng Mẹ VNAH Nguyễn Thị Đắc vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn lắm.
Mặc dù đã 93 tuổi nhưng Mẹ VNAH Nguyễn Thị Đắc vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn lắm.

Đối với mẹ Đắc, đây là những tháng ngày mẹ cảm thấy hạnh phúc khi được sống sum vầy cùng đàn con cháu. Mẹ kể trong niềm vui khôn xiết: “Đã mấy chục năm chiến tranh đi qua nhưng mẹ vẫn không quên được sự khốc liệt của chiến tranh thời ấy. Nhưng mẹ vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người khi giờ vẫn được ngồi đây hàng ngày ngắm lũ trẻ chơi đùa, vui và như trẻ thêm mấy chục tuổi”.

Trở lại ký ức thời bom đạn, mẹ Đắc chậm rãi kể về những tháng ngày phải đi làm thuê để cùng chồng gồng gánh nuôi con trưởng thành. Rồi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mẹ tích cực sản xuất, tham gia tốt các phong trào ở địa phương, động viên chồng con phục vụ kháng chiến. Mẹ đã đưa tiễn chồng và hai người con trai của mình gia nhập quân đội nguyện đóng góp một phần công sức nhỏ bé của gia đình cho cuộc kháng chiến. Trong một trận chiến ác liệt năm 1951, chồng mẹ đã hy sinh. Nỗi đau chưa nguôi thì năm 1972, hai người con trai đầu của mẹ tiếp tục hy sinh anh dũng.

Nén nỗi mất mát đau thương, mẹ vẫn tiếp tục cùng gia đình lao động sản xuất xây dựng địa phương vững mạnh, tích cực phục vụ kháng chiến. Năm 2007, mẹ được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng. Hàng tháng, mẹ được nhận trợ cấp tiền tuất là 2.050.000 đồng/tháng và 300.000 đồng/tháng tiền trợ cấp người cao tuổi. Không chỉ vậy, Công ty CP Than Hà Tu còn nhận đỡ đầu, phụng dưỡng chăm sóc mẹ từ năm 2007 với 300.000 đồng/tháng; Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Hội Phụ nữ phường... còn thường xuyên đến thăm hỏi, tặng quà cho mẹ vào những dịp lễ tết.

Tri ân những anh hùng

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh có 125 Mẹ Việt Nam Anh hùng. Dù được chăm sóc tận tình chu đáo nhưng các mẹ cũng không tránh được quy luật của thời gian nên cả tỉnh hiện chỉ còn lại 6 Mẹ VNAH còn sống. Đó là các mẹ: Lê Thị Quân, Trần Thị Tẻo, Tô Thị Tân,  Nguyễn Thị Đắc, Nguyễn Thị Lưu, Ngô Thị Bàn.

Chăm lo đời sống cho các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là trách nhiệm và tình cảm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người đã cống hiến, hy sinh xương máu vì nền độc lập tự do của dân tộc. Chính vì vậy, trong những năm qua, phong trào tình nghĩa, xã hội hoá chăm sóc người có công trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ngày càng được đẩy mạnh và mang lại hiệu quả thiết thực. Năm 2012, tổng nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa đã huy động được hơn 8 tỷ đồng, 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đều được chăm sóc, phụng dưỡng đến cuối đời. Bà Phạm Thị Vang, Phó trưởng phòng Người có công, Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Bà mẹ được trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” trên địa bàn tỉnh đều được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng và pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng. Không những vậy, Sở LĐ-TB&XH còn thường xuyên tổ chức thăm nuôi, trợ cấp, khám chữa bệnh định kỳ cho các mẹ”. Bên cạnh những cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, tỉnh đã huy động cả cộng đồng cùng chung tay chăm sóc người có công, đưa việc làm này trở thành nét đẹp trong đời sống văn hoá của nhân dân trên địa bàn, tạo thành phong trào thiết thực, hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn như: Công ty Đầu tư Thương mại Hạ Long, một số đơn vị thuộc Vinacomin và nhiều doanh nghiệp tư nhân khác đã có hình thức đóng góp, hỗ trợ cụ thể để quan tâm, tri ân những mẹ Việt Nam Anh hùng.

Lưu Linh