Khi kiểm điểm lại việc thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiều đồng chí lãnh đạo ở các cấp, các ngành đều có chung nhận định rằng thời gian tiến hành đại hội khi đó (năm 2010), tình hình phát triển KT-XH đang khởi sắc, thu ngân sách khá nên việc điều hành ngân sách thuận lợi. Theo đà phát triển nhanh của KT-XH giai đoạn trước đó, đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII với mong muốn đẩy nhanh hơn nữa quá trình phát triển KT-XH, nâng cao đời sống nhân dân, đã đề ra mục tiêu: nâng cao hơn nữa năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh và chủ động hội nhập quốc tế. Tạo bước phát triển đột phá về hạ tầng giao thông, đô thị và phát triển nông thôn, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Phát triển văn hoá, xã hội tương xứng với phát triển kinh tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... Đại hội đề ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP bình quân (giá so sánh) trên 13%/năm; theo đó, chỉ tiêu về giá trị tăng thêm các ngành kinh tế tăng bình quân hằng năm cũng được đề ra với mức khá cao.
![]() |
Công viên Lán Bè (TP Hạ Long) mới được đầu tư xây dựng. |
Tuy nhiên, do không dự báo hết tình hình nên ngay từ năm đầu của nhiệm kỳ (năm 2011), chúng ta đã phải đương đầu với nhiều khó khăn thách thức: Thị trường tài chính toàn cầu, đặc biệt là khủng hoảng nợ công ở châu Âu đã làm kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại; lạm phát tăng cao ở một số nước trong khu vực vốn là thị trường nhập khẩu quan trọng của nước ta. Năm 2012 và 2013, tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục có những diễn biến hết sức phức tạp: Kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn, thị trường trong nước thu hẹp, sức mua giảm mạnh, hàng tồn kho lớn; số doanh nghiệp bị giải thể, đình đốn sản xuất tăng, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập và đời sống của người lao động. Bên cạnh đó, tình hình thời tiết, dịch bệnh có diễn biến phức tạp, tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân. Mặt khác, nhiều chủ trương định hướng mà Trung ương cho phép Quảng Ninh thực hiện lại bị ràng buộc bởi nhiều cơ chế nên chưa phát huy được hết tác dụng.
Thế nên, việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KT-XH của tỉnh gặp nhiều khó khăn và kết quả đạt được ở nhiều lĩnh vực chưa như mong muốn. Dù tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt được ở mức khá so với cả nước song vẫn chưa đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra là trên 13%/năm (năm 2010: 12,7%; năm 2011: 12,1%; năm 2012: 7,4%, 6 tháng đầu năm 2013: 6,5%; bình quân nửa nhiệm kỳ là 8,53%). Kinh tế phát triển thiếu bền vững; tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn chưa được tháo gỡ; quy mô sản xuất nông nghiệp còn phân tán, nguy cơ ô nhiễm môi trường từ các gia trại chăn nuôi còn cao, chưa tạo ra nhiều vùng sản xuất tập trung có quy mô lớn để sản xuất hàng hoá chất lượng cao gắn với tiêu thụ sản phẩm. Việc xây dựng, phát triển các làng nghề, phát triển du lịch còn ở mức tiềm năng, chưa hình thành các trung tâm dịch vụ thương mại lớn để gắn tiêu dùng với quảng bá sản phẩm của từng địa phương.
Theo đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, chính từ trong khó khăn đó mà chúng ta đã tìm ra hướng đi mới. Đó là thay đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, từ thiếu bền vững sang bền vững.
Nhận định này được nhiều người đồng tình. Bởi thực tế cho thấy, từ chỗ nguồn thu chủ yếu của Quảng Ninh có được là từ tài nguyên đất đai và than, chúng ta đã chuyển hướng sang tập trung phát triển các ngành dịch vụ, du lịch; tăng cường đầu tư cho ứng dụng KHCN để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, làm cho hàm lượng KHCN, chất xám trong từng sản phẩm cả ở lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, du lịch và nông nghiệp đang dần tăng lên. Tất nhiên, để thực hiện thành công sự chuyển đổi phương thức phát triển này và để có thể thấy được hiệu quả rõ nét thì không thể một sớm, một chiều có thể làm ngay được mà đòi hỏi phải có quá trình. Thế nhưng, trong tình hình khó khăn hiện nay và theo xu hướng phát triển “kinh tế xanh” mà nhiều nước tiên tiến đang triển khai thực hiện thì rõ ràng việc chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” mà Quảng Ninh đang tập trung thực hiện là hướng đi rất đúng.
Thiết nghĩ, từ nhận định này, các cấp uỷ, các ngành trong quá trình kiểm điểm nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, cần có sự phân tích những khó khăn, thuận lợi để tìm ra những hướng đi mới nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2015, Quảng Ninh cơ bản thành tỉnh công nghiệp - dịch vụ hiện đại, tỉnh có nông thôn mới như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, Nghị quyết số 01 của Tỉnh uỷ xác định và đến năm 2020, cơ bản thành tỉnh dịch vụ - công nghiệp hiện đại theo chỉ đạo của Bộ Chính trị trong Thông báo số 108-TB/TW ngày 1-10-2012.
Ngọc Hà