Dự án trồng rau an toàn theo quy trình VietGap, nông dân được hưởng những quyền lợi như, dự án hỗ trợ 30% giá trị đầu tư cây giống, vật tư nông nghiệp, mở các lớp tập huấn kiến thức sản xuất rau an toàn cho bà con nông dân, xã viên. Đặc biệt, tham gia dự án này, bà con xã viên đã được các chuyên gia, tình nguyện viên Nhật Bản trực tiếp xuống hướng dẫn kỹ thuật sản xuất rau an toàn. Nhiều xã viên cho biết: “Nhờ chuyên gia Nhật phổ biến cho kỹ thuật cắm cọc trồng đậu nên tiết kiệm được nguyên liệu và thời gian, không sử dụng nhiều cọc mà chỉ cắm ít cọc sau đó dùng dây chăng tạo giàn chắc chắn cho đậu phát triển”. Đồng thời các xã viên tiên tiến còn được đi tập huấn ở Đà Lạt và nhiều tỉnh thành khác để học tập kinh nghiệm sản xuất. Xã viên Viên Đình Tâm cho biết: “Nhờ kỹ thuật chế biến phân hữu cơ bằng phương pháp đốt trấu, vỏ hàu, hà và các loại phân hữu cơ sẵn có, các hộ nông dân đã sản xuất được phân hữu cơ giàu lượng can xi, tăng khả năng kháng bệnh cho cây”.
![]() |
Mô hình trồng rau ngót theo quy trình VietGap của hộ xã viên Nguyễn Thị Hương. |
Trong quá trình sản xuất, chuyên gia người Nhật kết hợp với các phòng chức năng của tỉnh theo dõi quá trình sản xuất rau an toàn của HTX bằng sổ chi tiết nhật ký đồng ruộng, ghi chép hoạt động sản xuất rau và kỹ thuật chống sâu bệnh cho rau theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (VietGap) đảm bảo phương châm “4 đúng” (đúng thời gian, đúng chủng loại, đúng liều lượng, đúng thời hạn cách ly). Sau một thời gian tham gia dự án, chính những người xã viên đã nhận thức và phổ biến lại cho các xã viên trong HTX kỹ thuật sản xuất rau an toàn. Cái được ở đây là họ đã làm chủ được kỹ thuật sản xuất: Dùng chính nông dân để tập huấn cho nông dân, bằng các “hội nghị đầu bờ” những xã viên tiên tiến tham gia tập huấn kỹ thuật sau đó về phổ biến cho HTX. Đây mới là thành công thực sự của dự án. Chị Nguyễn Thị Hương, xã viên HTX phấn khởi nói: “Sau gần 3 năm tham gia thực hiện đúng quy trình sản xuất này, hiệu quả nhận thấy rõ là năng suất cao hơn, giảm được chi phí sản xuất, được hướng dẫn sử dụng các loại phân bón, thuốc trừ sâu hiệu quả hơn. Gia đình tôi có 6,5 sào ruộng nhưng có 3 sào trồng rau an toàn, mỗi ngày thu hoạch tôi bán cho buôn lái ở Cẩm Phả được 60 mớ rau ngót, 100 mớ rau muống; thu nhập bình quân mỗi tháng gần 5 triệu đồng. Sắp tới, tôi sẽ đăng ký và sử dụng nốt phần đất còn lại để trồng rau an toàn theo mô hình của dự án”.
Sau gần 3 năm thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn (với 18 loại rau, củ quả các loại, trên 3,5ha), với sự nỗ lực của Ban Quản trị HTX và bà con nông dân xã viên đã có giấy chứng nhận rau an toàn, đầu tư xây dựng nhà sơ chế, bước đầu tìm được đầu ra cho sản phẩm. Jica đã hỗ trợ xã viên tham gia dự án khâu quảng cáo giới thiệu sản phẩm và thành lập 2 cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm rau an toàn của HTX tại chợ Hồng Hà. Bên cạnh đó còn cung cấp rau sạch cho Công ty CP Than Hà Tu, Công ty CP Than Núi Béo, nhà hàng Hồng Hạnh, nhà hàng Sen Vàng, Hồ Cô Tiên, Hương Lan…; mỗi ngày bán được trên 5 tạ rau, củ, quả các loại. Như vậy thương hiệu rau an toàn của HTX đã góp phần cung ứng sản phẩm rau chất lượng cho xã viên và thị trường của thành phố Hạ Long, Cẩm Phả.
Mô hình trồng rau an toàn theo quy trình VietGap trên địa bàn phường Hà Phong đã thấy rõ hiệu quả, tuy nhiên, theo nhận định của ông Lê Hồng Lĩnh, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Hồng Hải: “Hiện để phát triển và mở rộng mô hình thì còn rất nhiều khó khăn như: Đất nhiều a xít, nên khó đa dạng các chủng loại rau, củ, quả; hệ thống kênh mương nội đồng chỉ đáp ứng được 20% khả năng tưới tiêu. Bà con nông dân cũng còn chưa thực sự chủ động, tích cực trong sản xuất nên sản phẩm sản xuất chưa đều, không đảm bảo đủ sản lượng, không đủ các chủng loại, dẫn đến HTX không dám ký các hợp đồng dài hạn với các đơn vị tiêu thụ. Bên cạnh đó, người dân chưa thực sự nhận thức cao về sản phẩm rau an toàn nên giá bán hiện tại của rau an toàn, có thương hiệu chỉ bằng các loại rau không rõ nguồn gốc khác. Hiện HTX đang tiếp tục nâng cao nhận thức của nông dân về quy trình sản xuất rau an toàn để họ có thể làm chủ kỹ thuật sản xuất; vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng; tham gia sản xuất rau an toàn theo mô hình; cam kết với HTX về chất lượng sản phẩm; đề nghị thành phố xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng, tưới tiêu; tìm phương án xây dựng thương hiệu sản phẩm rau an toàn Hồng Hải bền vững trên thị trường, phát huy hơn nữa hiệu quả của một dự án...”.
Thanh Hằng - Nguyễn Huế
(Văn phòng Liên minh HTX-DNNQD)