Mô hình “Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng” được triển khai tại TP Hạ Long từ tháng 4-2013, do Trung tâm Dân số - KHHGĐ TP Hạ Long chủ trì thực hiện. Bước đầu mô hình được triển khai thí điểm tại 3 phường: Cao Thắng, Hà Trung, Hà Lầm. Mục đích của mô hình nhằm chăm sóc sức khoẻ, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện để người cao tuổi sống vui, sống khoẻ, sống có ích; đồng thời phát huy vai trò người cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thông qua mô hình này còn để nâng cao nghĩa vụ và trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và xã hội đối với người cao tuổi… Với mục đích thiết thực đó, khi bắt đầu triển khai, mô hình đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo người cao tuổi và các cơ quan, đơn vị, người dân trên địa bàn các phường được thí điểm.
Bà Trần Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ TP Hạ Long cho biết: Tính cộng đồng trong chương trình chăm sóc cho người cao tuổi này được thể hiện ở sự tham gia của các nhóm đối tượng như: Các tổ chức đoàn thể, các cán bộ y tế cơ sở, người thân trong gia đình những người cao tuổi, sinh viên trường y trên địa bàn… qua đó tạo thành một nhóm hoạt động theo địa bàn dân cư (thôn, khu), tạo nên tính thường xuyên trong hoạt động chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi. Đây được đánh giá là mô hình chăm sóc liên tục có sự tham gia của cộng đồng, thuận lợi khi triển khai cả với những địa bàn khó khăn. Cách thực hiện đó không chỉ góp phần giảm chi phí đi lại, viện phí trong quá trình chăm sóc mà còn duy trì sức khoẻ, phòng bệnh sớm cũng như phòng ngừa biến chứng từ các bệnh mãn tính ở người cao tuổi.
![]() |
Ảnh minh hoạ. (Nguồn Internet) |
Sở dĩ bước đầu Trung tâm Dân số - KHHGĐ TP Hạ Long chọn 3 phường trên là bởi đây hầu hết là các địa bàn nằm xa trung tâm, điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn và hơn nữa tại các phường này có số lượng người cao tuổi, nhất là những người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn chiếm số lượng khá lớn. Sau hơn 2 tháng triển khai, mô hình đã thu hút được nhiều người cao tuổi tham gia và bước đầu đạt được những kết quả khả quan. Hiện 100% các câu lạc bộ người cao tuổi ở 3 phường đều được Trung tâm Dân số - KHHGĐ thành phố đầu tư trang bị các thiết bị chăm sóc sức khoẻ như máy đo huyết áp, đèn hồng ngoại, máy massage cùng các thiết bị thể thao, vui chơi giải trí. Cùng với đó, các thành viên của các câu lạc bộ còn được tập huấn kiến thức về kỹ năng truyền thông, tư vấn tại cộng đồng, các bệnh thường gặp ở người cao tuổi, cách sử dụng các loại thiết bị chăm sóc sức khoẻ… Không chỉ cùng nhau tập luyện, trao đổi các kiến thức về chăm sóc sức khoẻ, các thành viên Ban chủ nhiệm còn trực tiếp đến nhà nhiều hội viên sức khoẻ yếu không thể đến sinh hoạt tại câu lạc bộ để thăm khám, tư vấn và hướng dẫn tập luyện. Nhờ vậy, tinh thần, sức khoẻ của không ít hội viên được cải thiện tích cực. Các hoạt động vui chơi, giải trí, văn nghệ cũng được tổ chức, thu hút và tạo phấn khởi cho những người cao tuổi. Tìm hiểu thực tế tại phường Hà Trung, được biết hiện trên địa bàn phường có trên 600 cụ cao tuổi, trong đó hơn một nửa là người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn và tất cả họ đều có mong muốn được thường xuyên tư vấn về chăm sóc sức khoẻ, dinh dưỡng, phòng bệnh và được khám sức khoẻ định kỳ, cũng như tham gia sinh hoạt cộng đồng.
Có thể thấy, tuy thời gian triển khai chưa lâu nhưng mô hình “Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng” đang tạo nên phong trào chăm sóc sức khoẻ rộng rãi cho người cao tuổi tại các phường được triển khai thí điểm. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để các địa phương tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm về chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi trong gia đình, cộng đồng và xã hội, là cơ hội để nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi, nhất là những người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn. Với những hiệu quả thiết thực đó, mô hình cần được quan tâm và nhân rộng.
Minh Thu