Theo ông Phạm Quốc Sỹ, Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp): Đặc điểm chung của lứa tuổi TTN là chưa có sự phát triển hoàn thiện về sinh lý, tâm lý và nhận thức. Các em thích thể hiện cái tôi, thích làm những việc khác người hoặc quá mức bình thường, như là một cách để tự khẳng định mình đã là người lớn. Các em cũng rất dễ bị kẻ xấu kích động, lôi kéo, xúi giục hoặc a dua làm những việc trái pháp luật. Các em có thể vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân của các hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại trẻ em; nhất là trẻ em, TTN ở những huyện, xã vùng sâu vùng xa, nơi điều kiện sinh sống, học tập còn gặp nhiều khó khăn, vấn đề nâng cao nhận thức về pháp luật hiện còn gặp rất nhiều hạn chế.
![]() |
Cán bộ Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh hướng dẫn học sinh tìm hiểu luật pháp tại xã Minh Cầm (Ba Chẽ). |
Chính vì vậy, trong Tháng hành động vì trẻ em năm nay, hoạt động của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh tập trung vào việc GDPL, trợ giúp pháp lý cho học sinh, TTN trên địa bàn tỉnh. Mục đích nhằm định hướng cho các em rèn luyện, nâng cao nhận thức pháp luật, hình thành ý thức tự giác chấp hành pháp luật và các quy tắc, chuẩn mực ứng xử trong đời sống xã hội. Bên cạnh đó, giúp các em sống có trách nhiệm với bản thân, biết cách lập thân, lập nghiệp và hướng các em đến các giá trị chân - thiện - mỹ. Đồng thời, kịp thời giúp đỡ, giáo dục các em đã mắc phải sai lầm, vi phạm pháp luật sớm nhận ra được hành vi sai trái của mình, tích cực học tập, lao động, cải tạo trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Để cụ thể hoá kế hoạch, cuối tháng 5 vừa qua, Trung tâm đã tổ chức đợt trợ giúp lưu động tại 4 xã vùng sâu, vùng xa của huyện Ba Chẽ, nhằm tuyên truyền về Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; TGPL cho trẻ em, học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh nghèo. Tại các buổi trợ giúp, đoàn đã lựa chọn nhiều hình thức phù hợp, như kể chuyện pháp luật, phát tờ rơi, tài liệu tham khảo về pháp luật, hướng dẫn làm phiếu khảo sát… để có thể chuyển tải kiến thức pháp luật đến với các em một cách dễ hiểu, hiệu quả và phù hợp nhất. Nhiều kế hoạch tuyên truyền phổ biến GDPL cho trẻ em, học sinh cũng đã được đoàn công tác phối hợp với chính quyền địa phương và nhà trường triển khai.
Theo các thành viên trong đoàn, để công tác GDPL và TGPL cho trẻ em, người chưa thành niên, nhất là tại các huyện, xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh đạt hiệu quả, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Đó là: Phải xác định giáo dục trẻ em, người chưa thành niên là trách nhiệm của toàn xã hội; cần phải nghiên cứu, đa dạng hoá các hình thức GDPL cho trẻ em, như nói chuyện pháp luật, sinh hoạt chuyên đề, ngoại khoá, câu lạc bộ TTN với pháp luật, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật. Đối tượng làm công tác tuyên truyền pháp luật cho trẻ em ngoài có trình độ pháp lý cao, cần được bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp phù hợp với nhu cầu và đặc điểm tâm sinh lý của các em, nắm bắt được đặc thù trong đời sống, sinh hoạt, học tập của lứa tuổi chưa thành niên, để kịp thời có những định hướng hành vi pháp lý đúng đắn. Bên cạnh đó, mỗi gia đình cần phát huy tối đa vai trò “tế bào xã hội”, chủ động phối hợp chặt chẽ với nhà trường, các tổ chức đoàn thể trong việc định hướng, GDPL cho con em mình…
Ông Phạm Quốc Sỹ cho biết thêm: GDPL và TGPL cho trẻ em, TTN ở các huyện, xã vùng sâu vùng xa của tỉnh hiện nay là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp thiết, đòi hỏi sự tham gia tích cực của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các tổ chức đoàn thể xã hội trên địa bàn tỉnh thực hiện TGPL cho trẻ em, người chưa thành niên, nhất là trẻ em vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Qua đó, góp phần giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật trong lứa tuổi TTN, ngăn chặn tình trạng trẻ em bị xâm hại, để thực sự mang lại tương lai tươi sáng cho trẻ em.
Minh Hà