Thứ tư, 30/04/2025, 6:51 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Tuyên truyền về biển đảo cho ngư dân và nhân dân: Cần sâu, rộng hơn nữa

Biển Việt Nam có vai trò chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết Trung ương 4 đã đề ra “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển. Công tác tuyên truyền biển đảo trong tình hình mới cho các ngư dân là lực lượng đông đảo, trực tiếp lao động sản xuất trên biển lúc này trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Song, công tác này gặp rất nhiều khó khăn và bất cập.

Hội thi tuyên truyền lưu động “Biên giới và biển đảo Việt Nam” năm 2012 khu vực phía Bắc được tổ chức tại Quảng Ninh, tháng 5 năm 2012. Ảnh: Hoàng Quý
Hội thi tuyên truyền lưu động “Biên giới và biển đảo Việt Nam” năm 2012 khu vực phía Bắc được tổ chức tại Quảng Ninh, tháng 5 năm 2012. Ảnh: Hoàng Quý

Nước ta có bờ biển dài hơn 3.260km, vùng biển rộng hơn 1 triệu km2 với khoảng 2.800 đảo và quần đảo. Ước tính biển nước ta có đến 2.000 loài cá, 70 loài tôm, 50 loài cua, 650 loài rong biển, 2.500 loài nhuyễn thể. Đối với ngư dân, biển nuôi sống họ, là đời sống tinh thần của họ. Nhưng với công tác tuyên truyền biển đảo thì vùng biển rộng, nhiều đảo phân tán, xa bờ, khí hậu biển khắc nghiệt, thất thường là trở ngại lớn. Ngư dân ngày đêm trên biển, đánh bắt xa bờ, nay đây mai đó, đi theo vệt cá, phương tiện thông tin duy nhất của họ là bộ đàm, ra-đi-ô để nghe Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi cần thiết thì ngư dân dùng bộ đàm liên lạc với địa phương, Bộ đội Biên phòng hoặc hệ thống đài canh của Quân chủng Hải quân. Tuy nhiên, do tập quán và muốn “độc quyền” khu vực biển nhiều hải sản, khá nhiều ngư dân thường bí mật ngư trường nên họ tự cô lập, cắt đứt hoàn toàn liên lạc trong thời gian dài, gây khó khăn cho công tác tuyên truyền và tìm kiếm cứu nạn. Việc phân định ranh giới quản lý của các lực lượng trên biển, các tỉnh có biển quản lý vùng biển “từ đâu đến đâu” còn chưa rõ ràng, gây tranh cãi. Có ý kiến cho rằng, Uỷ ban Biển Đông và hải đảo cần sớm cụ thể về phân định mốc trên biển đối với ranh giới quản lý của các tỉnh, các lực lượng chức năng.

Nhiều lực lượng quản lý một vùng biển nhưng việc phối hợp để tuyên truyền cho ngư dân ít được thực hiện hoặc hiệu quả chưa cao. Bên tuyên giáo thì kêu là thiếu thông tin kịp thời về biển đảo; bên thuỷ sản, nông nghiệp, khí tượng thuỷ văn thì thiếu nghiệp vụ tuyên truyền. Vẫn xảy ra tình trạng “Đầu voi đuôi chuột”, “mạnh ai nấy làm”, bệnh thành tích, tuyên truyền không đến nơi đến chốn, không đến được ngư dân… Các cơ quan chức năng trực tiếp quản lý các ngư dân từ bờ ra biển nhưng cũng không kiểm soát hết được. Mỗi lớp tập huấn công tác phòng, chống bão lụt, giảm nhẹ thiên tai ở khu vực Ninh Phước, Ninh Hải, TX Phan Rang chỉ có 50-70 ngư dân tham gia, trong khi toàn tỉnh Ninh Thuận có đến 1.850 tàu thuyền đánh cá trên biển. Vì vậy, Ninh Thuận đã đề ra chỉ tiêu phấn đấu 90% thuyền trưởng, thuyền viên phải qua đào tạo. Đại tá Bùi Sỹ Trinh, Chính uỷ Cục Cảnh sát biển Việt Nam thì cho rằng “Cần làm tốt từ gốc, tức là từ đầu ra, các tàu khi xuất bến phải có giấy phép hành nghề, thuyền có đăng ký, thuyền trưởng phải qua đào tạo…”.

Nội dung và hình thức tuyên truyền biển đảo cũng cần được chú trọng. Cần tập trung nâng cao nhận thức cho ngư dân về vai trò chiến lược của biển đảo đối với phát triển kinh tế đất nước, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trên hướng biển. Tuyên truyền “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, Luật Biển 1982, Luật Giao thông đường thuỷ, Luật Thuỷ sản, Pháp lệnh về Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển; các nghị định, chỉ thị của các cấp, ngành về phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, chống ô nhiễm môi trường. Tuyên truyền để ngư dân thực hiện tốt pháp luật Nhà nước trên biển, không đánh cá bằng mìn, không câu trộm lưới, cắt trộm cáp quang biển của Quốc gia… Có nhiều hình thức để tuyên truyền và hình thức nào cũng có điểm mạnh, hạn chế nhất định. Tuyên truyền miệng thì khó khăn vì ngư dân thường xuyên đánh cá trên biển dài ngày, phân tán; phát tờ rơi thì khi biên soạn tài liệu “có cái không chắc chắn” nên nội dung các tài liệu thường theo lối mòn, chung chung, biên soạn dài thì bà con không nhớ hết, ngắn thì sợ “thiếu”… Các chương trình cổ động, sân khấu hoá chưa thực sự hấp dẫn, lôi cuốn bà con. Vai trò của các phương tiện truyền thông là hữu hiệu nhất, song các chương trình về biển đảo còn ít. GS Vũ Quang Hào, Khoa Báo chí Trường đại học KHXH&NV, người rất tâm huyết và có nhiều đóng góp cho chuyên mục “Dành cho ngư dân” trên VOV1 Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng: Những chương trình truyền thông dành cho ngư dân là rất cần thiết, nên có thêm nhiều chuyên mục như thế, không chỉ ở báo chí Trung ương mà ngay ở các tỉnh, thành phố ven biển cũng nên có các chương trình thuỷ sản ổn định thường kỳ trên báo chí địa phương.

Để tuyên truyền biển đảo có hiệu quả, thiết nghĩ các cấp, ngành cần có biện pháp đồng bộ, phối hợp chặt chẽ, hợp lý. Cần xây dựng kế hoạch, đề cương tuyên truyền cho từng thời điểm, giai đoạn; triển khai đến hệ thống chính trị, phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng cùng vào cuộc. Nên có quy chế cho công tác tuyên truyền biển đảo trong giai đoạn mới và thường xuyên sơ kết, tổng kết, giao ban địa bàn, gắn công tác tuyên truyền biển đảo với chỉ tiêu thi đua. Phát triển kinh tế biển đi đôi với xây dựng môi trường văn hoá biển. Để nâng cao nhận thức của ngư dân về biển đảo, trước hết nhận thức của các cấp, ngành, các cán bộ, đảng viên phải được nâng lên một bước...

Theo www.mattran.org.vn