Thứ tư, 30/04/2025, 4:22 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Ưu tiên chăm sóc, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Bằng những hành động thiết thực và sự vào cuộc của cả cộng đồng, Quảng Ninh đã có nhiều nỗ lực để giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (HCĐB) cải thiện cuộc sống; nâng cao nhận thức của người dân về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, phát triển các hình thức chăm sóc trẻ em có HCĐB dựa vào cộng đồng. Qua đó, từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa trẻ em có HCĐB với trẻ em bình thường tại nơi cư trú.

Theo số liệu từ Sở LĐ-TB&XH tỉnh, tính đến tháng 12-2012, số trẻ em có HCĐB toàn tỉnh là 3.263 trẻ; trong đó 987 trẻ là trẻ mồ côi không nơi nương tựa, bị bỏ rơi, 2.033 trẻ khuyết tật, tàn tật; số trẻ có nguy cơ cao rơi vào HCĐB là trên 24.000 trẻ. Để đảm bảo cho mọi trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, nhất là trẻ em nghèo, trẻ em có HCĐB, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, Quảng Ninh đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, tỉnh đặc biệt chú trọng công tác vận động xã hội cùng chung tay góp sức cải thiện điều kiện sống, tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em nghèo, miền núi, vùng dân tộc thiểu số và trẻ em có HCĐB...

Cán bộ Trung tâm Công tác xã hội tỉnh tư vấn cho người thân của trẻ em có HCĐB tại thôn Ngàn Pạt, xã Lục Hồn (Bình Liêu). Ảnh: Xuân Huy (Trung tâm Công tác xã hội tỉnh)
Cán bộ Trung tâm Công tác xã hội tỉnh tư vấn cho người thân của trẻ em có HCĐB tại thôn Ngàn Pạt, xã Lục Hồn (Bình Liêu). Ảnh: Xuân Huy (Trung tâm Công tác xã hội tỉnh)

Theo chị Hoàng Minh Hoa, Phó Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB&XH), năm 2012, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã hỗ trợ gần 2.000 lượt trẻ em có HCĐB với tổng kinh phí trên 800 triệu đồng. Quỹ bảo trợ trẻ em còn phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Chi nhánh Viễn thông Viettel Quảng Ninh tổ chức khám sàng lọc miễn phí cho 220 trẻ em mắc bệnh tim và chỉ định phẫu thuật cho 49 em. Không những vậy, Quảng Ninh còn triển khai thực hiện tốt các dự án, mô hình bảo vệ chăm sóc trẻ em có HCĐB dựa vào cộng đồng như: Mô hình phòng ngừa, giáo dục trẻ em vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng, mô hình phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật dựa vào cộng đồng… “Trẻ em có HCĐB là đối tượng rất dễ bị tổn thương. Để giảm bớt phần nào thiệt thòi, giúp các em có cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh thường xuyên triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về những đối tượng này. Trung tâm đã tiến hành tư vấn trực tiếp đến từng đối tượng trẻ em có HCĐB, đẩy mạnh các hoạt động trợ giúp trẻ khuyết tật, mồ côi tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, bảo vệ khi trẻ có nhu cầu, giúp trẻ em nghèo có HCĐB không còn mặc cảm, tự ti mà sống lạc quan, yêu đời hơn” - anh Đỗ Anh Hoà, cán bộ Phòng Can thiệp, hỗ trợ (Trung tâm Công tác xã hội tỉnh) chia sẻ. Theo đó, từ đầu năm 2013 đến nay, Trung tâm đã tiến hành tư vấn trực tiếp cho 300 trường hợp có HCĐB tại cộng đồng; mời các chuyên gia tư vấn, bác sĩ tổ chức khám sàng lọc cho 200 trẻ em rối nhiễu tâm trí… Qua đó, tìm hiểu nguyện vọng để lên kế hoạch cụ thể giúp đỡ giúp các em có HCĐB sớm tự tin hoà nhập cộng đồng…

Bên cạnh những kết quả tích cực trên, việc chăm sóc trẻ em có HCĐB vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện nay, hầu hết trẻ em có HCĐB đều sinh sống tại những xã thuộc vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán còn lạc hậu nên khó khăn trong công tác tuyên truyền. Một thực tế nữa là hiện nay, hệ thống cơ sở chăm sóc trẻ em phẫu thuật một vài địa phương vùng sâu, vùng xa chưa có; vì vậy việc chăm sóc các em chủ yếu dựa vào sự quan tâm của người thân trong gia đình, do vậy dễ dẫn đến các em tập sai động tác, có gia đình lại để các em tự thân vận động là chính… Ngoài ra, công tác dạy nghề tạo việc làm cho trẻ em có HCĐB cũng gặp nhiều khó khăn.

Công tác chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ em thuộc đối tượng dễ bị tổn thương, cần có sự giúp sức của cộng đồng. Vì vậy, thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH sẽ triển khai nhiều hoạt động trợ giúp, tạo điều kiện giúp trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em có HCĐB được tham gia các sự kiện văn hoá, thể thao, du lịch. Đẩy mạnh các hoạt động giáo dục kỹ năng tự bảo vệ mình, phòng, tránh tai nạn thương tích, đuối nước, dịch bệnh mùa hè, phòng tránh các nguy cơ bị xâm hại, bị bạo lực... Đồng thời, tổ chức các hoạt động giao lưu, văn nghệ, thể thao giữa trẻ em nghèo, trẻ em miền núi, trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em có HCĐB với các trẻ em khác để tăng cường sự tự tin, hỗ trợ các em hoà nhập cộng đồng...

Lưu Linh