Một thời “hoàng kim”
Sự bứt phá mạnh mẽ nhất trong công tác xã hội hoá y tế phải kể đến là giai đoạn 2005-2010. Lúc bấy giờ, hệ thống y tế tư nhân phát triển nhanh. Đến năm 2010, Quảng Ninh có khoảng 1.110 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân hoạt động trên địa bàn. Nhiều cơ sở đã liên kết với các doanh nghiệp, tư nhân để lắp đặt trang thiết bị y tế, khám chữa bệnh theo yêu cầu của người bệnh. Từ năm 2006 đến năm 2010, các cơ sở y tế tư nhân đã đầu tư hơn 95 tỷ đồng mua sắm thiết bị phục vụ khám và điều trị, chăm sóc bệnh nhân trong và ngoài tỉnh. Việc phát triển loại hình y tế tư nhân giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng cao ngay tại cộng đồng, gần nơi sinh sống, tiết kiệm được chi phí đi lại.
Ở các đơn vị y tế công lập, công tác xã hội hoá y tế cũng không kém phần sôi động. Nhiều đơn vị liên doanh với các công ty hoặc huy động vốn của cán bộ, nhân viên để lắp đặt các trang thiết bị hiện đại phục vụ khám, chữa bệnh; liên kết với bệnh viện tuyến trung ương hoặc mở khu khám dịch vụ để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Từ năm 2005 đến năm 2010, các nhà đầu tư đã bỏ ra tới hơn 60 tỷ đồng và cán bộ nhân viên ở một số đơn vị cũng đóng góp gần 10 tỷ đồng để mua sắm các thiết bị y tế.
![]() |
Các máy chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả được đầu tư theo hình thức xã hội hoá giúp người dân trên địa bàn điều trị bệnh thuận lợi hơn. |
Ngành Y tế còn tranh thủ nguồn lực của các doanh nghiệp, tổ chức từ thiện, phi chính phủ trong đầu tư cơ sở vật chất và hỗ trợ hoạt động khám, chữa bệnh, chủ yếu ở các lĩnh vực: Đầu tư thiết bị y tế, phòng bệnh, phẫu thuật mắt nhân đạo, phòng chống HIV/AIDS... với số tiền trên 40 tỷ đồng, trong vòng 5 năm, từ năm 2005 đến năm 2010.
Giậm chân tại chỗ
Từ năm 2011 trở lại đây, công tác xã hội hoá y tế không còn sôi động như trước. Đến nay, hệ thống y dược tư nhân vẫn chỉ tập trung chủ yếu ở các khu vực thành thị như: Cẩm Phả, Hạ Long, Uông Bí… với tổng số hơn 700 cơ sở (giảm gần 400 cơ sở so với năm 2010), trong đó trên 190 cơ sở hành nghề y, hơn 530 cơ sở hành nghề dược. Dù là địa bàn hoạt động kinh tế - du lịch sôi động, song Quảng Ninh vẫn chưa có bệnh viện tư nhân. Phòng khám đa khoa cũng chỉ có 13 cơ sở, còn lại là phòng khám chuyên khoa, phòng chẩn trị, dịch vụ y tế.
Đối với hệ thống y tế công lập, công tác xã hội hoá càng trầm lắng hơn. Dù nhiều nhà đầu tư sẵn sàng lắp đặt các thiết bị, máy móc phục vụ khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh, song họ chỉ chọn các đơn vị có lưu lượng bệnh nhân lớn; đồng thời, họ lắp chủ yếu các thiết bị, máy móc thu lợi nhuận cao. Thêm vào đó, hình thức liên doanh liên kết này, lãi suất % tính cho các nhà đầu tư lớn (khoảng 70% số tiền thu được sau khi đã trừ chi phí tiêu hao)… nên các đơn vị y tế không còn mặn mà kêu gọi đầu tư. Năm 2012, chỉ Bệnh viện Bãi Cháy liên doanh với nhà đầu tư và huy động vốn của cán bộ nhân viên trang sắm thêm máy chụp cắt lớp 128 lát để phục vụ người bệnh và Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả lắp đặt, đưa vào sử dụng 12 máy chạy thận nhân tạo bằng vốn xã hội hoá. Việc huy động vốn cán bộ nhân viên đóng góp cũng không được nhiều, chủ yếu trang sắm một số thiết bị nhỏ. Hầu hết các đơn vị đều trông chờ vào đầu tư của Nhà nước để mua sắm thiết bị với số vốn hơn 300 tỷ đồng.
Việc liên doanh với các bệnh viện tuyến trung ương khám, chữa bệnh cho người dân dường như mới chỉ triển khai hiệu quả ở Bệnh viện Bãi Cháy, còn ở các bệnh viện khác hoạt động nhỏ lẻ, không quy mô. Một số đơn vị vẫn duy trì dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu, song chất lượng không có sự khác biệt nhiều so với khám, chữa bệnh thông thường, từ thời gian chờ khám, thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm… đến trình độ, năng lực bác sĩ.
Hiện nay, nhu cầu dịch vụ y tế đến tận gia đình ở khu vực thành thị khá cao, như: Khám, chăm sóc sức khoẻ trẻ sơ sinh; khám, theo dõi sức khoẻ người già… song trên địa bàn tỉnh chưa có dịch vụ này dù trước đó nhiều năm, Bệnh viện Y dược cổ truyền đã ấp ủ ý tưởng.
Về phía công tác phòng, chống dịch bệnh, hiện nay người dân vẫn trông chờ nhiều vào sự tài trợ của Nhà nước, từ phun trùng, khử khuẩn đến các chương trình tiêm phòng. Số người dân tự giác đi tiêm phòng một số dịch bệnh không nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia còn ít… Số người tham gia bảo hiểm y tế tuy đạt tỷ lệ hơn 76% dân số, song chủ yếu rơi vào đối tượng bắt buộc…
Được biết, tỉnh đang kêu gọi các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước đầu tư xây dựng 3 bệnh viện đạt tiêu chuẩn quốc tế tại TP Hạ Long, TP Móng Cái và huyện Vân Đồn nhằm phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khoẻ chất lượng cao. Tỉnh cam kết bố trí quỹ đất sạch cho nhà đầu tư. Mong rằng với sự quan tâm, đầu tư mạnh mẽ của tỉnh cho lĩnh vực y tế, ngành Y tế và bản thân mỗi đơn vị trong ngành sẽ có sự chủ động, linh hoạt hơn nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hoá y tế, từ đó giúp người dân được thụ hưởng các dịch vụ y tế một cách tốt nhất.
Thu Nguyệt
Ý KIẾN NGƯỜI TRONG CUỘC Ông Nguyễn Tiến Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế: “Hỗ trợ thêm cho các cơ sở y tế tư nhân” Hoàng Trình |