Ở TP Uông Bí, chỉ tính riêng rác thải sinh hoạt, hiện mỗi ngày có từ 60 đến 70 tấn, chưa kể các loại rác thải công nghiệp, chất thải do các hoạt động khác. Từ cuối năm 2012 đến nay, phần lớn rác thải sinh hoạt của thành phố đều được Nhà máy xử lý rác thải và sản xuất nguyên liệu tái tạo Bắc Sơn đưa vào đốt. Tuy nhiên, do công nghệ chưa hoàn thiện, công suất nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế nên dẫn đến việc xử lý rác của thành phố gặp khó khăn.
![]() |
Có thời điểm, tại Nhà máy xử lý rác thải và sản xuất nguyên liệu tái tạo Bắc Sơn tồn đọng gần 3.000 tấn rác. |
Anh Phan Minh Tiến, Trưởng Phòng Quản lý đô thị thành phố cho biết: “Có thể nói đến thời điểm này việc xử lý rác của thành phố đang phụ thuộc vào Nhà máy xử lý rác thải và sản xuất nguyên liệu tái tạo Bắc Sơn. Thế nhưng do hệ thống dây chuyền máy móc của doanh nghiệp đầu tư và đưa vào sử dụng quá gấp rút, dẫn đến chưa hoàn chỉnh. Qua đánh giá lại thì mặc dù công nghệ nước ngoài nhưng gia công, chế tạo tại địa phương nên không đảm bảo chất lượng, quá trình vận hành đã gặp trục trặc, phải nhiều lần dừng đốt. Ngoài ra, thì hiện đơn vị chưa có bãi chôn lấp chất thải không đốt được sau phân loại; chưa có hệ thống rãnh thu gom, xử lý nước mặt; chưa đầu tư các loại máy móc thiết yếu như máy đảo rác, máy phun chế phẩm khử mùi, thiết bị trộn, phun ẩm, phun bổ sung dinh dưỡng, dây chuyền xử lý nước rỉ rác… Tất cả đã làm hạn chế công năng của nhà máy, chưa đáp ứng được nhu cầu xử lý rác của thành phố thời điểm hiện tại chứ chưa nói đến tương lai”. Thực tế kể từ đầu năm 2013 đến nay, Nhà máy xử lý rác thải và sản xuất nguyên liệu tái tạo Bắc Sơn thường xuyên xảy ra sự cố, dẫn đến tồn đọng rác, có thời điểm tồn lên đến 3.000 tấn rác, gây ảnh hưởng đến việc xử lý rác cũng như môi trường sống của một số hộ dân trong khu vực. Đặc biệt kể từ tháng 5 đến nay, TP Uông Bí đã phải tái diễn cảnh đi gửi rác ở các địa phương lân cận như thời điểm trước khi Nhà máy xử lý rác thải và sản xuất nguyên liệu tái tạo Bắc Sơn đi vào hoạt động để hỗ trợ đơn vị doanh nghiệp này giải quyết hết số rác tồn đọng.
Ngoài tồn tại đối với Nhà máy xử lý rác thải và nguyên liệu tái tạo Bắc Sơn, hiện nay lẫn trong rác sinh hoạt và các loại rác thải, chất thải khác là tỷ lệ không nhỏ rác thải, chất thải không đốt được. Anh Nguyễn Thanh Tùng, Phó Phòng Quản lý đô thị Uông Bí khẳng định: “Hiện nay tất cả chất thải từ hút bể phốt; nạo vét cống rãnh, lề đường; vệ sinh công nghiệp các công trình xây dựng cơ bản… đều không đốt được. Ngay kể cả đối với rác thải sinh hoạt vẫn có tỷ lệ nhất định rác thải không đốt được. Điều đó đủ thấy lượng rác thải, chất thải không đốt được của một thành phố có 17 vạn dân và rất nhiều các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động, các công trình hạ tầng đô thị đã và đang xây dựng như Uông Bí là không hề nhỏ. Trong khi đó đối với loại rác thải, chất thải này bắt buộc phải xử lý bằng biện pháp chôn lấp”. Điều đáng nói là đến thời điểm này TP Uông Bí không có một bãi chôn lấp rác thải nào. Trước kia TP Uông Bí có bãi xử lý rác thải Lạc Thanh (phường Yên Thanh) song do quá tải nên đã đóng cửa từ năm 2011; bãi rác Vàng Danh (phường Vàng Danh) do không đảm bảo tiêu chuẩn theo quy phạm nên cũng đóng cửa vào năm 2012. Bởi vậy thời điểm này TP Uông Bí hoàn toàn chưa biết xử lý lượng rác thải không đốt được ở đâu.
Có thể thấy với thực tế tồn tại trên, đã đến lúc việc xây dựng bãi chôn lấp rác thải, chất thải không đốt được của TP Uông Bí trở nên cấp thiết. Điều này không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả công tác xử lý rác thải, chất thải của thành phố mà còn đảm bảo môi sinh, làm trong sạch môi trường sống của người dân. Được biết, mới đây TP Uông Bí cũng đã khảo sát một số điểm xây dựng bãi chôn lấp rác thải, chất thải không đốt được và lấy ý kiến tham gia của các đơn vị liên quan. Đây là động thái tích cực, đúng hướng, phù hợp và không thể không làm ngay.
Thanh Bình