Theo số liệu thống kê của BCĐ Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tỉnh, tính đến hết năm 2012, toàn tỉnh có 204.203/ 253.354 gia đình được công nhận gia đình văn hoá (GĐVH), đạt 80,6%; 1.044/1.566 làng, khu phố được công nhận làng, khu phố văn hoá, đạt 66,7% (tăng 6% so với năm 2011)...
![]() |
Các đại biểu tham gia giao lưu tại Hội nghị biểu dương các gia đình văn hoá tiêu biểu 3 thế hệ tỉnh Quảng Ninh 2013. Ảnh: Thanh Tùng |
Có được kết quả trên là do tỉnh đã tạo được sự gắn kết chặt chẽ phong trào xây dựng gia đình văn hoá với phong trào xây dựng làng văn hoá, khu phố văn hoá và thực sự coi việc xây dựng gia đình văn hoá là nền tảng, là nội dung cơ bản của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, xác định việc xây dựng GĐVH là một trong những mũi đột phá. Để phong trào đi vào chiều sâu, Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung, tiêu chuẩn đạt chuẩn xây dựng GĐVH. Hàng năm, từng tổ dân, khu phố, làng, bản được tổ chức quán triệt, đưa gương người tốt, việc tốt vào tiêu chí bình xét khen thưởng cho mỗi gia đình, đồng thời tổ chức việc bình xét công khai dân chủ, đúng quy trình trong việc công nhận GĐVH. Việc chấm chọn, xét công nhận GĐVH cũng do chính cộng đồng thực hiện, bảo đảm sát đúng và có sự đối sánh cần thiết. Bên cạnh những quy trình thủ tục chặt chẽ này, hình thức công nhận GĐVH cũng được thực hiện khá bài bản, GĐVH được tôn vinh, được trao giấy chứng nhận một cách trang trọng vào dịp Ngày Gia đình Việt Nam 28-6, ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân 18-11 hàng năm; khen thưởng, động viên kịp thời những nơi có phong trào mạnh, những cá nhân, tập thể có nhiều thành tích trong xây dựng GĐVH. Bên cạnh đó, để xây dựng GĐVH đạt kết quả cao, BCĐ các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh phối hợp với các cấp Hội Phụ nữ thường xuyên tuyên truyền, vận động các gia đình, cộng đồng nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, thực hiện KHHGĐ, thực hành chăm sóc SKSS, nuôi dạy con, phòng chống tệ nạn xã hội; tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò của gia đình, trách nhiệm của phụ nữ, nam giới và các thành viên gia đình trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Đặc biệt, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” (Không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội, không sinh con thứ 3 trở lên, không bạo lực gia đình, không có trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học; sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ) và Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt” được phát động và triển khai trên địa bàn tỉnh thời gian qua với các nội dung cụ thể đã thực sự giúp cho phụ nữ nâng cao nhận thức, thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hoá. Điều đáng ghi nhận, đến nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã duy trì hàng trăm CLB sinh hoạt thường xuyên về gia đình, như: CLB “Phòng chống bạo lực gia đình”, “Gia đình hạnh phúc”, “Phụ nữ với pháp luật”… Qua việc sinh hoạt các CLB nhằm tuyên truyền về gia đình, những gương điển hình người tốt, việc tốt, làm kinh tế giỏi, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bảo vệ trẻ em v.v.. Đồng thời qua những buổi sinh hoạt CLB đã giúp cho các gia đình có thêm kiến thức về phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái, cung cấp và giáo dục kỹ năng sống cho các thành viên từng gia đình, những kinh nghiệm hay được chia sẻ và phổ biến thực hiện. Hoạt động của các CLB đã góp phần củng cố, gắn kết mối quan hệ từng thành viên trong gia đình cũng như láng giềng, cộng đồng nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, loại bỏ dần những tập tục lạc hậu, hình thành những giá trị mới văn minh, tiến bộ phù hợp với pháp luật hiện hành.
Thực tế, trong phong trào xây dựng GĐVH trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều gia đình tiêu biểu xuất sắc, nhiều tấm gương ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, anh em thuận hoà v.v.. mang đậm nét truyền thống của gia đình Việt Nam. Các thành viên trong gia đình không chỉ sống có trách nhiệm với nhau mà còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Nhiều gia đình đã hiến đất, đóng góp tiền, công sức xây dựng nhà văn hoá, làm đường, xây dựng trường học và tích cực tham gia các phong trào “Toàn dân tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông”, phong trào xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma tuý mại dâm, “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”... và tích cực tham gia góp sức vào việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, phong trào xây dựng gia đình văn hoá vẫn còn những hạn chế, trong đó, kết quả xây dựng gia đình văn hoá ở các huyện vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh còn thấp do tỷ lệ hộ nghèo cao, thiếu kiến thức nên vi phạm các chính sách dân số - KHHGD, chưa thực hiện đúng Luật Hôn nhân gia đình, nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội.
Hiện nay, quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế tạo ra nhiều cơ hội và điều kiện để gia đình Việt Nam phát triển, đồng thời cũng đặt gia đình và công tác gia đình trước nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, xây dựng gia đình văn hoá là vấn đề quan trọng trong công tác xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, đòi hỏi sự quan tâm của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể và sự vào cuộc của toàn xã hội. Năm 2013 này, Quảng Ninh phấn đấu tỷ lệ gia đình văn hoá đạt 82%; 68% làng, khu phố văn hoá.
Với chủ đề “Kết nối yêu thương”, Năm Gia đình Việt Nam 2013 nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của gia đình trong đời sống. Cùng với cả nước, Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc gắn với phong trào xây dựng gia đình văn hóa.
Thu Nguyên
Ngày 19-2-2013, Chính phủ đã quyết định chọn năm 2013 là Năm Gia đình Việt Nam. Đây là một sự kiện quan trọng đánh dấu sự nỗ lực, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong việc xây dựng gia đình Việt Nam phát triển bền vững, phấn đấu hoàn thành mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh. Với chủ đề “Kết nối yêu thương”, Năm Gia đình Việt Nam 2013 sẽ góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của gia đình; chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về gia đình; quyền, nghĩa vụ của gia đình; kỹ năng sống, cách tổ chức cuộc sống gia đình và xây dựng mối quan hệ gia đình, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình. |