Xã Hoàng Quế (Đông Triều) là xã thuần nông với hơn 200ha đất trồng lúa, màu và hàng trăm ha nuôi trồng thuỷ sản. Những năm qua, bằng sự cố gắng của mình, Hoàng Quế đã từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn; xây mới và nâng cấp nhiều công trình hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, riêng đối với hệ thống kênh mương nội đồng thì lại đạt kết quả tương đối thấp. Đến thời điểm này Hoàng Quế mới cứng hoá được 4km kênh mương nội đồng, đạt khoảng 30% tổng chiều dài kênh mương nội đồng trên toàn xã. Mặc dù 4km kênh mương nội đồng kể trên nằm ở vùng trung tâm sản xuất nông nghiệp, do đó đã nâng cao được công năng, thế nhưng cũng mới chỉ đáp ứng việc tưới tiêu cho khoảng 50% diện tích cấy trồng của xã. Số diện tích canh tác còn lại đều nằm trong tình trạng hệ thống kênh mương chưa được cứng hoá, do đó hiệu quả tưới, tiêu thoát nước thấp, nhiều khi phải phụ thuộc vào tự nhiên, dẫn đến năng suất và giá trị cây trồng đạt thấp.
![]() |
Kênh mương nội đồng ở xã Hoàng Quế (Đông Triều). |
Anh Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Quế cho biết: “Việc huy động vốn đầu tư cho kênh mương nội đồng rất khó khăn. Hiện các nguồn vốn từ các kênh của nhà nước rất eo hẹp, trong khi đó huy động dân thì rất thấp”. Anh Đệ dẫn chứng: “Cũng cùng là huy động xã hội hoá nguồn lực đầu tư, thế nhưng nếu dành cho xây dựng các công trình hạ tầng như điện, đường, trường, trạm thì lại dễ dàng. Ngay như xây dựng giao thông nông thôn, người dân sẵn sàng đóng góp đến 70%, 80% giá trị, nhà nước chỉ phải đầu tư trên dưới 30%. Thế nhưng xây dựng kênh mương nội đồng thì ngược lại, giỏi lắm cũng chỉ huy động được 30% đến 40% tổng giá trị”. Anh Phạm Văn Chung, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết thêm: “Việc này cũng xuất phát từ nhiều nguyên nhân, thứ nhất là do mức thu nhập của người dân vùng nông thôn thấp, chỉ đạt 60% thu nhập bình quân trên địa bàn nên không lấy đâu ra mà đóng góp. Thứ hai, đối với xây dựng kênh mương nội đồng thì thường chỉ có nông dân tham gia đóng góp, hầu như không thể huy động vốn xã hội hoá”.
Đáng buồn là hiện huyện Đông Triều không chỉ có Hoàng Quế khó khăn trong việc xây dựng kênh mương nội đồng mà đây là cái khó chung của hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn. Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện, hiện đến thời điểm này vẫn còn khoảng gần 50% tổng số chiều dài kênh mương nội đồng chưa được cứng hoá, nhiều đoạn đã xuống cấp, không thể phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong đó càng các xã trọng điểm nông nghiệp như Bình Dương, An Sinh, Nguyễn Huệ, Yên Đức… thì càng khó khăn về kênh mương nội đồng, kể cả các xã đang đẩy mạnh tiến trình về đích xây dựng nông thôn mới. Cụ thể trung bình mỗi xã, thị trấn kể trên còn khoảng 5km-7km kênh mương nội đồng cần được cứng hoá, xây mới.
Để khắc phục điều này huyện Đông Triều đã bằng nhiều cách vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của xây dựng hệ thống kênh mương. Tuy nhiên, việc này thật sự vẫn rất cần sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả từ nguồn ngân sách nhà nước. Anh Trần Văn Lập, Phó Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Đông Triều, thành viên Ban giúp việc Xây dựng Nông thôn mới của huyện cho biết: “Theo hạch toán kinh tế, giá trị đầu tư các công trình kênh mương nội đồng tuy không cao như xây dựng đường giao thông nông thôn song cũng không hề thấp. Ước xây mới và cứng hoá 1km kênh mương nội đồng mất khoảng từ 400 đến 600 triệu đồng; nâng cấp, sửa chữa cũng mất khoảng 50% tổng giá trị trên. Như vậy Đông Triều còn cần đến hàng chục tỷ đồng cho việc này. Đây là việc rất khó, nhất là trong tình hình thu ngân sách địa phương thấp dẫn đến ít tái đầu tư, trong khi đó các nguồn vốn của nhà nước đầu tư vào lĩnh vực này ngày càng hạn chế”.
Thanh Bình