Thứ tư, 30/04/2025, 6:49 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Xây dựng thương hiệu: “Na dai Đông Triều”

Từ những năm 1970, cây na dai đã được một số hộ dân đưa về vùng đồi Việt Dân (Đông Triều) trồng tại địa phương. Từ đó, na dai đã lan ra các vùng lân cận, trở thành loại cây trồng khá phổ biến trên địa bàn huyện.



Để loại cây trồng này phát triển với năng suất và chất lượng cao hơn, cùng với nếp cái hoa vàng, na dai Đông Triều đang được xây dựng thương hiệu trong thời gian tới…

Cán bộ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp (đơn vị chủ trì xây dựng thương hiệu na dai Đông Triều) đang khảo sát thực địa tại xã Việt Dân.
Cán bộ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp (đơn vị chủ trì xây dựng thương hiệu na dai Đông Triều) đang khảo sát thực địa tại xã Việt Dân.

Với lợi thế là vùng đồi núi thấp, phù hợp với việc trồng và phát triển các loại cây ăn quả, Việt Dân là một trong những xã đầu tiên đem cây na dai về trồng và phát triển nó thành sản phẩm hàng hoá. Trong những năm 1994-1995, thực hiện chủ trương của huyện về việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phủ xanh đất trống đồi trọc, xã đã quyết định phá bỏ những loại cây kém hiệu quả sang trồng vải thiều xen lẫn na dai. Trong quá trình canh tác, do phù hợp với điều kiện tự nhiên, cây na dai đã phát triển khá tốt, năng suất cao và cho quả ngon - ngọt - mát - bổ. Hầu như vụ mùa nào tư thương trong tỉnh lẫn ngoài tỉnh cũng đều đến đặt mua tại vườn từ khi cây còn chưa ra hoa. Chính vì thế, nhiều năm gần đây, người nông dân ở Việt Dân nói riêng, Đông Triều nói chung, tỏ ra rất ưa chuộng na dai. Đến nay, na dai Việt Dân không những đã trở thành cây kinh tế chủ lực, làm giàu cho bà con trong xã mà còn lan rộng khắp các vùng đồi từ Tràng An, Tân Việt, An Sinh v.v.. với tổng diện tích ước khoảng 700ha. Theo số liệu thống kê của xã Việt Dân, hiện tại, cả xã có đến 350 hộ trồng na, với diện tích là 220ha; trong đó có 132ha trồng tập trung và 88ha trồng phân tán. Những năm gần đây, do các hộ dân được tập huấn kỹ thuật, đặc biệt là quy trình trồng và chăm sóc đảm bảo cho sản phẩm sạch, nên sản lượng na dai tăng đáng kể. Mỗi vụ, bình quân đạt từ 12-15 tấn/ha; sản lượng na dai trên toàn xã ước đạt từ 2.640-3.300 tấn/năm.

Người dân thôn Tân Thành (xã Việt Dân) đóng gói na chuẩn bị xuất bán cho thương lái.
Người dân thôn Tân Thành (xã Việt Dân) đóng gói na chuẩn bị xuất bán cho thương lái.

Hiện tại phải non ba tháng nữa mới đến mùa thu hoạch chính của cây na. Tuy nhiên, những vườn na dai chi chít quả ở “vựa na” Việt Dân đã báo hiệu một vụ bội thu. Dẫn chúng tôi đi tham quan một số vườn na có quy mô lớn của xã, ông Nguyễn Đức Mẫn, Chủ tịch Hội Sản xuất và Kinh doanh na dai Đông Triều, phấn khởi cho biết: “Dự kiến năm nay sản lượng na sẽ rất cao. Các vườn na của xã đều trĩu quả. Hơn nữa, ở thời điểm này thì có thể nói kích cỡ quả như hiện nay là khá lớn. Do đó, bà con chúng tôi ai cũng mong chờ vào một vụ mùa bội thu…”.

Người nông dân ở xã Việt Dân (Đông Triều) phun thuốc trừ sâu cho cây na. Ảnh: THU HƯƠNG (CTV)
Người nông dân ở xã Việt Dân (Đông Triều) phun thuốc trừ sâu cho cây na. Ảnh: THU HƯƠNG (CTV)

Ông nguyễn Đức Mẫn còn cho biết, là một trong số 24 sản phẩm được hỗ trợ để xây dựng thương hiệu, thời gian qua, việc trồng và phát triển cây na dai đã được huyện rất quan tâm. Bên cạnh việc điều tra, khảo sát về chất lượng na; quy hoạch vùng; tác động của chất đất, chất nước v.v.. đến cây na cũng như xây dựng quy chế quản lý thương hiệu, Phòng Nông nghiệp huyện cũng đã phối với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều đợt tập huấn quy trình trồng na dai theo hướng Vietgap cho gần 200 lượt người. Tại các lớp tập huấn, người dân đã được phổ biến các kiến thức cơ bản về cách chọn cây giống, bón phân, chăm sóc, thụ phấn bổ sung cho cây, cắt tỉa sau thu hoạch… Để tăng năng suất và chất lượng quả na dai, Chi cục Bảo vệ thực vật Quảng Ninh đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật tác động làm tăng năng suất, chất lượng quả và phòng trừ dịch hại tổng hợp trên cây na” từ tháng 7-2010 đến tháng 10-2012 tại một số hộ gia đình ở xã An Sinh trên diện tích 1ha. Sau khi hoàn thành các bước nghiên cứu về ảnh hưởng của biện pháp tuốt lá, cắt đầu cành, thụ phấn bổ sung hay biện pháp sử dụng chế phẩm tăng khả năng đậu quả v.v.. cán bộ của Chi cục Bảo vệ thực vật cũng đã chuyển giao kỹ thuật cho người dân. Nhờ vào việc thực hiện đúng chuẩn quy trình chăm sóc này mà sản lượng quả cũng đã tăng lên đáng kể.

Có thể nói, với sự chuẩn bị chu đáo, đúng quy trình kỹ thuật, thời gian qua nhiều chương trình và dự án phát triển cây na dai được triển khai thực hiện không những đã nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân mà còn góp phần không nhỏ trong việc khẳng định được chất lượng và tên tuổi của sản phẩm na dai Đông Triều. Đây là cơ sở để huyện xây dựng thành công thương hiệu “Na dai Đông Triều” nhằm tạo thuận lợi cho sản phẩm na dai của huyện “đứng được” trên thị trường trong tỉnh và vươn ra thị trường ngoài tỉnh…

Ngô Dịu