Thứ tư, 30/04/2025, 12:28 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Xóa nghèo bền vững: Tiếp sức cho Khe Hố

Năm trước, tôi đã từng đi vào thôn Khe Hố, thôn nghèo với 46 hộ nghèo/79 hộ dân của xã Nam Sơn (huyện Ba Chẽ). Vượt được qua con đường gồ ghề dẫn vào thôn với những đoạn ngập bùn dẻo quánh quả là một kỳ công. Ấy vậy mà để vào được trung tâm thôn, chúng tôi lại phải vượt qua con suối Khe Hố (một nhánh của sông Ba Chẽ) khi mà chẳng có cây cầu nào bắc qua sông. Vào dịp nước cạn, vậy mà anh cán bộ Uỷ ban MTTQ huyện vẫn khuyên tôi xắn quần lội nước qua suối, còn mình anh phi xe qua dòng nước, qua được suối anh ướt hết 2 ống quần. Anh cán bộ bảo: “Con suối này chia thôn Khe Hố ra làm hai phần phía nam, phía bắc. Bên phía nam con suối có 63 hộ dân, phía bắc chỉ có 16 hộ. Mùa mưa lũ, hai bên cách trở, ruộng nương của bà con, trường học cho trẻ em đều nằm phía nam, nên hễ lũ to mọi công việc bên bắc đành ngừng trệ…”.

Những ngôi nhà mất an toàn như thế này của các hộ dân phía Bắc suối Khe Hố sẽ được di chuyển đến nơi ở mới trong thời gian tới.
Những ngôi nhà mất an toàn như thế này của các hộ dân phía Bắc suối Khe Hố sẽ được di chuyển đến nơi ở mới trong thời gian tới.

Anh Trương Văn Dính là một trong 16 hộ sống ở bên phía bắc con suối. Anh Dính 39 tuổi, nhưng là ông bố của 6 đứa con. Đứa lớn nhất mới 18 tuổi, còn lại các con đều đang tuổi ăn, tuổi chơi. Anh Dính bảo: “Vụ mùa, vợ chồng tôi phải làm quần quật ngoài đồng cả ngày mới mong kiếm được hạt gạo nuôi các cháu. Nhưng ra đồng nào có yên tâm đâu, vì bọn trẻ ở nhà gần khe suối, chúng đi học, đi chơi đều qua đó. Mặt khác, ruộng nương của gia đình tôi và trường học của các con tôi cũng đều ở bên kia”. Anh Phùn A Nhì, gần nhà anh Dính nhưng ở chỗ cao hơn, nằm cheo leo đỉnh đồi. Trời mới tạnh cơn mưa nên khi leo lên nhà anh Nhì, chúng tôi phải dò dẫm từng bước vì trơn. Anh Nhì bảo: “Phải có con đường giao thông tốt thì mới tạo cơ hội cho chúng tôi thoát nghèo. Đường sá khó khăn, chúng tôi muốn nuôi con lợn, gà cũng chỉ làm cầm chừng, bởi chăn nuôi nhiều ăn không hết, bán thì chẳng ai mua, thương lái có vào đây thì cũng trả giá rẻ vì lý do đường xấu”.

Nỗi lo của anh Trương Văn Dính và anh Phùn A Nhì đã sắp được giải toả, từ đầu năm 2013 đến nay, việc tiếp sức cho Khe Hố đã được huyện Ba Chẽ đặt ưu tiên hàng đầu. Ban Cứu trợ Uỷ ban MTTQ tỉnh đã giúp huyện 416 triệu đồng, số tiền này huyện đang lên kế hoạch giúp 16 hộ dân phía bắc suối Khe Hố di chuyển nhà sang bên kia suối, để giải toả cho họ mối lo về giao thông, sạt lở đất, trẻ em bị đuối nước... Cũng từ đầu năm 2013, một con đường mới dài gần 2,3km đã được khởi công nối liền trung tâm Khe Hố với tuyến đường 330 chạy qua khu vực thị trấn Ba Chẽ. Từ đây, cứ bám theo đường 330 bà con muốn xuôi ngược sang Hải Lạng (Tiên Yên) hay xã cuối của huyện là Lương Mông đều tiện. Con đường vào Khe Hố ước tính phải đầu tư khoảng 5 tỷ đồng và đã được TP Hạ Long ủng hộ 1 tỷ đồng. Uỷ ban MTTQ huyện đã đứng ra kêu gọi các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài huyện cùng đóng góp vào Quỹ Vì người nghèo của huyện năm 2012 được hơn 100 triệu đồng và dồn tất cả số tiền đó vào việc làm đường cho bà con Khe Hố. Đồng chí Mông Văn Thàm, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ huyện cho biết: “Tiền làm đường giúp bà con Khe Hố chủ yếu theo hướng xã hội hoá, nên để hoàn thành con đường thì trong thời gian tới, chúng tôi vẫn tiếp tục kêu gọi, vận động các tổ chức hảo tâm trong và ngoài huyện cùng vào cuộc vì ngân sách làm đường còn thiếu rất nhiều”. Nói về hướng xoá nghèo cho bà con Khe Hố trong năm nay, đồng chí Mông Văn Thàm cho biết thêm: “Hiện nay, Khe Hố có nhiều hộ trồng rừng đã đến kỳ thu hoạch. Trong thời gian tới, huyện sẽ cấp bổ sung thêm đất cho các hộ còn ít đất rừng và các hộ chưa có đất rừng. Khi có đường giao thông tốt, bà con sẽ rất hăng hái trồng rừng vì họ đã có đường vận chuyển gỗ, gỗ bán được giá hơn, người dân Khe Hố sẽ sớm thoát nghèo thôi…”.

Công Thành